Sau khi Báo NLĐO có bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Phải thay đổi cách tính lương hưu", rất nhiều bạn đọc ủng hộ cách đặt vấn đề thỏa đáng của báo, đồng thời bày tỏ mong muốn Quốc hội nên sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật BHXH để chính sách này thực sự là chỗ dựa an sinh bền vững cho người tham gia.
Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu, bạn đọc Đình Trường băn khoăn: "Thử làm một điều tra về tăng tuổi nghỉ hưu với công nhân viên chức và người lao động về tăng tuổi nghỉ hưu thì được bao nhiêu %". Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Văn bày tỏ: "90% nguyên nhân rút bảo hiểm xã hội là tuổi nghỉ hưu quá cao 62 tuổi, chỉ phù hợp cho cán bộ lãnh đạo quản lý, còn công chức bình thường rất muốn nghỉ hưu ở độ tuổi 45-50 vì sức khỏe và áp lực công việc, huống hồ công nhân lao động nhà máy".
Từ thực tiễn trên, nhiều bạn đọc kiến nghị cần sửa đổi toàn diện Luật BHXH hiện hành. Một bạn đọc giấu tên thẳng thắn góp ý: "BHXH cần phải thay đổi chính sách sao cho NLĐ nhận thấy rõ về quyền lợi tham gia, theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Ngoài ra còn phải linh hoạt về chính sách để NLĐ lựa trọn tùy theo hoàn cảnh mỗi người. Ví dụ khuyến khích NLĐ đóng trên 20 năm để khi chưa đến tuổi nghỉ hưu, như trường hợp 50 tuổi nhưng đã tham gia BHXH 30 năm, khi đó BHXH cho họ thêm lựa chọn có thể hưởng trợ cấp 1 lần phần của 10 năm để trang trải cuộc sống khi chưa được hưởng lương hưu, còn bảo lưu 20 năm để lãnh lương hưu sau khi đủ tuổi, hoặc có thể để dành để hưởng lương hưu toàn thời gian đã tham gia. Đây chỉ là 1 trong những ví dụ để khuyến NLĐ tham gia thời gian dài sẽ có lợi".
Theo bạn đọc Minh Toàn, việc tăng tuổi hưu trước khi sửa luật hầu hết ý kiến của NLĐ và DN không đồng ý. Mấu chốt vấn đề là nhà tuyển dụng không ai tuyển dụng tuổi lao động từ 50 tuổi trở đi, những NLĐ ở tuổi này cơ hội làm việc rất thấp, bệnh tật đeo bám họ do làm việc nặng nhọc rồi con cái phải học hành, cha mẹ già nữa, bao nhiêu việc trong cuộc sống trong khi đó nhà nước chưa có chính sách phù hợp cho khoảng trống tuổi từ 50 tuổi trở đi đến 60, 62 và việc họ rút BHXH 1 lần là nhu cầu chính đáng để lo cho tất cả cuộc sống của bản thân mình, con cái, cha mẹ của họ. "Mong các bác lãnh đạo hãy lắng nghe và BHXH thật sự là một sứ mệnh an sinh cho mọi người, không thể vì việc rút BHXH 1 lần nhiều rồi tìm cách hạn chế. Gia đình là tế bào của xã hội của đất nước, gia đình không ổn thì xã hội và đất nước chưa phát triển" - bạn đọc này viết.
Bạn đọc Huy Nguyễn thì góp ý: "Nhà nước nên tập trung vào việc sử dụng hiệu quả nguồn thu từ BHXH hơn là luôn tìm cách giảm chi từ nguồn này. "BHXH phải công bằng hơn, với nguyên tắc đóng ít hưởng ít đóng nhiều hưởng nhiều. Tỉ lệ % hưởng sẽ tương ứng với số năm đóng. Trong khi đó, bạn đọc khác cũng đề xuất: "Đừng quy định số tuổi hưởng lương hưu mà nên quy định số năm đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu. Có thể quy định đóng bảo hiểm xã hội 15 năm trở lên là được hưởng lương hưu. Tôi đóng 15 năm tôi hưởng lương hưu theo mức 15 năm, tôi đóng được 20 năm thì tôi hưởng mức lương hưu 20 năm, tôi đóng 21 năm thì tôi hưởng 21 năm".
Theo bạn đọc Nguyễn Văn Mỹ, lương hưu, ít nhất là phải bằng với lương tối thiểu mà Nhà nước hay DN đang trả cho người lao động. Và không được phân biệt đối xử giữa DN Nhà nước với tư nhân. Vì chính sách phải coi mọi người lao động là 1 người con của Việt Nam, đều có đóng góp như nhau thì phải hưởng thụ giống nhau. Tương tự, bạn đọc Trần Anh bày tỏ quan điểm cần rút ngắn tuổi nghỉ hưu. Mở rộng người được nghỉ hưu sớm nam là 52,, nữ là 50 có các bộ phận khác của người lao động. Khi đó sẽ không xảy ra hiện tượng rút bảo hiểm 1 lần như hiện nay. Mọi người sẽ cố gắng để được nhận lương hưu.
Giảm tuổi nghỉ hưu: Một bài toán khó
"Nguyên tắc hưởng lương hưu theo thời gian đóng, mức đóng và tuổi theo quy định. Người lao động đợi đến tuổi hưởng lương hưu thường là còn lâu, ngay cả khi bị mất sức 61% nên người lạo đông có xu hướng thanh toán 1 cục. Đối với cơ quan bảo hiểm cũng không đủ tiền chi trả nếu giảm tuổi hưởng lương hưu. Chỉ còn cách làm sao để người lao động có thể có việc làm cho đến đủ điều kiện nghỉ hưu mà thôi, bằng cách tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề cho những người dễ bị mất việc khi tuổi không còn trẻ mà đợi hưởng lương hưu vẫn còn xa" – bạn đọc Nguyễn Nhật viết