Theo đánh giá và dự báo của một số nghiên cứu quốc tế mới đây, vào năm 2050, kinh tế tài chính toàn cầu có thể bị thiệt hại 38.000 tỷ USD/năm vì biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt tác động nặng nề tới các nước đang phát triển như Việt Nam.
Với hơn 3.200 km bờ biển và các tỉnh, thành phố có địa hình trũng thấp, đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
Các tác động của biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, đời sống người dân mà còn tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, và du lịch đều phải đối mặt với những thách thức lớn từ môi trường, từ biến đổi khí hậu.
Việt Nam cần đầu tư thêm 368 tỷ USD cho phát triển bền vững
“Chúng ta cũng vừa trải qua các đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài ở các tỉnh Nam Bộ, khu vực miền Trung, Tây nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tăng, ranh mặn đi sâu vào nội đồng. Đồng bằng sông Cửu Long cũng đối mặt với sụt lún, sạt lở đất do nước trong các kênh rạch dần cạn kiệt”, chia sẻ của bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 tại Việt Nam diễn ra mới đây.
Theo bà Hương, điều này làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và gây ra thiệt hại lớn cho quốc gia. Theo tính toán ban đầu của một nghiên cứu quốc tế gần đây cho thấy Việt Nam mất đi khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.
Thực tế, Chính phủ và doanh nghiệp (DN) đã sớm nhận thức cũng như đẩy mạnh phát triển bền vững. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, và giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử các-bon trong quá trình tăng trưởng, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để thực hiện lộ trình này, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040. Hiện, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam được đánh giá là dồi dào.
Nguồn vốn FDI xanh đang đổ vào các nước phát triển, bao gồm Việt Nam
“Ng uồn vốn này hiện đang tăng nhanh, thống kê cho thấy số vốn FDI đang tăng nhanh, lên đến 500 tỷ USD. D òng vốn FDI xanh đang nhắm đến các nước phát triển chiếm khoảng 60% vốn FDI xanh trên toàn cầu; hơn 30% đi vào các nước đang phát triển ”, chia sẻ bởi Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn BCG Việt Nam.
Là điểm đến thu hút FDI trong khu vực ASEAN, cùng với xu hướng chuyển đổi xanh, một số nhà đầu tư lớn đến từ châu Âu đã chọn Việt Nam để rót vốn xanh. Cụ thể, tập đoàn LEGO của Đan Mạch đầu tư hơn 1 tỷ USD vào nhà máy không phát thải carbon.
Adidas của Đức cũng đã đi theo chiến lược giảm phát thải, đồng nghĩa doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng, gia công cũng phải đồng hành để đạt được mục tiêu này.
FDI xanh từ các quốc gia khác cũng theo dòng chảy vào Việt Nam với một số dự án như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD...
Hay Công ty quản lý quỹ toàn cầu responsAbility Investments AG cũng chọn Việt Nam là thị trường đầu tư lớn thứ hai, chỉ sau Ấn Độ. Được biết, responsAbility Investments AG là đơn vị quản lý tài sản có trụ sở tại Thụy Sĩ, hiện quản lý tổng tài sản 5 tỷ USD. Trong đó, Global Climate Partnership Fund (GCPF) là quỹ đầu tư tài chính khí hậu lớn nhất do responsAbility quản lý, chuyên đầu tư vào các định chế tài chính để cùng triển khai tín dụng xanh, hoặc đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp có yếu tố bền vững.
Kể từ khi thành lập vào năm 2003, các nguồn quỹ từ responsAbility đã đầu tư vào các thị trường tăng trưởng với trung bình mỗi năm giải ngân đến 1 tỷ USD. Quỹ chính thức đầu tư vào Việt Nam từ năm 2018 và đang chọn Việt Nam là thị trường chính, bởi 3 yếu tố:
+ Nền kinh tế Việt Nam có sự ổn định và tăng trưởng tốt;
+ Dù khung pháp lý dần hoàn thiện nhưng có sự hỗ trợ tốt cho DN trong ngoài nước
+ Đội ngũ hoạt tại địa phương đủ lâu để hiểu Việt Nam cũng như thiết lập được các mối quan hệ tốt với DN.
Vướng mắc lớn nhất là khái niệm, suy nghĩ về “xanh”
Dù hoạt động hợp tác đầu tư diễn ra sôi nổi, dòng vốn xanh bắt đầu lan toả diện rộng song theo chuyên gia, các DN Việt nam còn nhiều khó khăn hạn chế, với gần 98% có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs).
Dưới góc nhìn của mình, đại diện responsAbility cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay là khái niệm, suy nghĩ về dòng vốn xanh. Trong khi DN nghĩ dòng vốn xanh là vốn rẻ, không rẻ tôi không làm, hoặc thậm chí họ tự tin rằng dự án họ đã đủ “xanh”; thì các định chế tài chính, quỹ đầu tư thì không công nhận dự án xanh.
Cho nên, hiện nay ưu tiên không chỉ là tăng cường nhận thức đúng, mà cần những mối trung gian giúp đưa hai bên đến với nhau, có thể ngồi lại nói chuyện, hiểu nhau hơn và tìm được tiếng nói chung.
Bởi, yêu cầu bền vững không chỉ là sự tự nguyện mà còn là trách nhiệm tuân thủ nếu không sẽ bị tụt hậu, bị loại khỏi cuộc chơi. Khi, tác động của biến đổi khí hậu cũng như yêu cầu ngày càng gia tăng từ đối tác, nhà đầu tư, nhà mua ở những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ về các tiêu chuẩn sản xuất, chuỗi cung ứng bền vững, thuế carbon... đã tạo sức ép và thách thức rất lớn cho DN Việt Nam.