Chị Tố Ngân, chủ của một quầy cà phê nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo (Quận 1, TPHCM) đã phải than trời khi gọi điện cho đại lý hỏi mua 20kg cà phê, vì giá tăng quá cao. Thông thường chị sẽ mua cà phê trộn giữa Robusta và Culi, trước đây giá mỗi cân cà phê khoảng 140.000 đồng, còn bây giờ đại lý báo giá 210.000 đồng.
"Chị không ngờ là giá cao tới vậy, nhưng chắc chị cũng sẽ không tăng giá sản phẩm. Vì nếu chia đều chi phí nguyên liệu cà phê tăng thêm trên từng ly cà phê thì vẫn ở mức chấp nhận được. Thêm nữa, cà phê cũng chỉ là một thức uống trong menu, ngoài ra quán còn bán nước ép cam, dứa, táo… Nếu tăng giá sản phẩm cà phê thêm một chút, khiến khách hàng e ngại không đến quán mua nữa thì lợi bất cập hại", chị Tố Ngân giải thích.
Đây không phải là suy nghĩ riêng của chị Tố Ngân mà rất nhiều ông bà chủ các cửa hàng hay chuỗi cà phê lớn nhỏ tại Việt Nam cũng đang có những tính toán tương tự. Bởi vậy người tiêu dùng chưa thấy chuỗi cà phê lớn nào tại Việt Nam tăng giá đồ uống tính cho đến thời điểm này, dù giá cà phê nguyên liệu liên tục leo đỉnh.
Hay nói cách khác, các quán/chuỗi cà phê tại Việt Nam vẫn đang gồng được, không giống các doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đau đầu vì giá cà phê trong nước liên tục phá kỷ lục
Giá cà phê thế giới và Việt Nam đã liên tục nhảy múa từ đầu năm 2023 đến nay.
Giá cà phê thế giới được tổng hợp và theo dõi bởi ICO (I-CIP) đạt trung bình 216,9 US cent/pound trong tháng 4, tăng mạnh 16,4% so với tháng trước và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 193,4 - 235,5 US cent/pound, mức cao nhất trong 13 năm qua.
Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung do sản lượng thu hoạch giảm liên tiếp trong hai niên vụ 2022-2023 và 2023-2024. Ngày 26/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 có thể giảm 20% xuống 1,47 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán. Thông tin này đã đẩy giá cà phê robusta tại thị trường nội địa Việt Nam tăng vọt lên mức hơn 132.000 đồng/kg trong phiên giao dịch ngày 26/4 từ mức trung bình 80.000 đồng/kg vào ngày 15/2 và 61.000 đồng/kg của giữa tháng 11/2023.
Tại thị trường trong nước, trong phiên giao dịch từ ngày 8/5 đến 13/5, giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng 6.000 – 6.500 đồng/kg lên mức 100.000 – 101.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này vẫn giảm tới 25%, tương ứng hơn 33.400 đồng/kg so với mức đỉnh 134.400 đồng/kg đạt được vào cuối tháng 4 vừa qua.
Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), trong tháng 4 giá cà phê đạt mức cao kỷ lục và đạt mức cao nhất trong 45 năm qua, nguyên nhân do lo ngại về tình trạng mất mùa ở Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Giá cà phê trong nước và thế giới nhìn chung đã giảm khá mạnh kể từ đầu tháng 5 đến nay, nhưng vẫn cao hơn trung bình các năm trước và dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian tới do tình trạng thiếu hụt nguồn cung robusta toàn cầu.
"Để có hàng xuất khẩu đều và lớn, các công ty xuất khẩu thường mua lại cà phê từ các nhà cung cấp, hay gọi là thương lái. Niều công ty lớn mua từ hàng ngàn tấn đến chục ngàn tấn. Xuống dưới nữa, thương lái lại mua của nông dân và khi nông dân thấy giá liên tục tăng cao thì họ không chịu giao hàng đã ký.
Hậu quả, các thương lái sẽ lỗ lớn hay thậm chí phá sản do họ không có tiềm lực tài chính để mua với giá bất chấp nhằm đủ hàng giao cho công ty xuất khẩu như hợp đồng đã ký. Rất nhiều nhà xuất khẩu – như Phúc Sinh, hằng ngày phải đi đòi hàng ngàn/chục ngàn tấn cà phê đã mua rồi, thậm chí đã đặt cọc mà không được giao hàng.
Hiện các DN xuất khẩu cà phê trong và ngoài nước buộc phải làm đủ mọi cách để gom đủ hàng giao cho đối tác nhằm giữ chữ tín đã dày công gây dựng. Vậy nên, các nhà xuất khẩu cà phê lớn tại Việt Nam đang khó khăn chồng chất!
Với thực trạng đó, các nhà xuất khẩu ở Việt Nam đang bán lỗ hàng chục triệu đồng/tấn. Với những nhà xuất khẩu lớn, một hợp đồng xuất khẩu có khi từ hàng trăm đến hàng ngàn tấn. Số tiền lỗ không biết bao nhiêu mà kể! Việt Nam đang được mùa được giá cà phê, nhưng công ty xuất khẩu trong và ngoài nước, nếu đã bán trước mà không nhận được hàng đã mua, đều trả giá vô cùng lớn!", ông Phan Minh Thông, CEO công ty Phúc Sinh cho hay.
Phúc Sinh là doanh nghiệp trong Top 10 nhà xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam. Đứng đầu thị trường này hiện là Intimex.
Tại ĐHCĐ năm 2024, Intimex cho biết, năm 2023, tổng doanh thu của họ khoảng 2 tỷ USD – trong đó 1,1 tỷ USD là từ xuất khẩu nông sản. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực cà phê của họ đã gặp rất nhiều khó khăn, nên chỉ xuất được 343.376 tấn – giảm 15% so với 2022, song vẫn chiếm tỷ trọng 21,38% thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam.
"Giá cả mặt hàng cà phê đã diễn biến khó lường trong suốt năm 2023, giá nội địa liên tục tăng vọt cao hơn giá chung toàn cầu từ cuối quý II đến hết năm. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng, khiến nhiều đơn vị trong Tập đoàn kinh doanh gặp khó khăn, giảm lượng xuất khẩu và ảnh hưởng đến lợi nhuận toàn Tập đoàn.
Ngoài ra, trong mùa vụ 2023, chất lượng mặt hàng cà phê xấu hơn năm trước, tỷ lệ nâu đen nhiều, sản xuất hàng chất lượng cao hiệu quả không cao", đại diện Intimex phân tích.
Các quán và chuỗi cà phê đang cố 'gồng'
Như đã đề cập ở đầu bài viết, trên thực tế, các cửa hàng cà phê tại Việt Nam không chỉ bán cà phê mà menu sản phẩm hết sức đa dạng và phong phú. Thông thường, ngoài cà phê, các quán cà phê thường bán cả trà trái cây, trà sữa, sinh tố, nước trái cây, bánh ngọt…
Theo cơ cấu chi phí của mô hình đồ uống theo báo cáo của iPos gần đây, tỷ trọng các phần chi phí hiện đang như sau: Tại Hà Nội giá vốn chiếm 28,7%, chi phí nhân sự chiếm 17,8%, chi phí mặt bằng 10,9%, chi phí marketing 5%, chi phí khác là 5,9% và lợi nhuận là 31,7%; TP.HCM có các chỉ số tương ứng là 27,3%, 20,2%, 16,2%, 2%, 14,1% và 20,2%.
"Đúng là giá hạt cà phê trong thời gian gần đây biến động mạnh khiến cho nguồn cung cà phê trên thị trường càng trở nên khan hiếm, ít nhiều có ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh cà phê.
Trước đây, cà phê thường là món có giá vốn nguyên liệu thuộc nhóm thấp nhất trong menu của các cửa hàng cà phê, khi giá hạt cà phê tăng cao, hầu hết các chuỗi cà phê đều không tăng giá bán lẻ đồ uống do vẫn nằm trong ngưỡng chi phí an toàn. Tuy nhiên việc này làm giảm một phần lợi nhuận của cửa hàng.
Đầu năm 2024, chúng tôi cũng đã kết hợp với các xưởng rang lớn chuẩn bị lượng hàng cà phê lớn hơn để bình ổn giá cà phê cung cấp ra thị trường, đồng hành cùng hoạt động kinh doanh của khách hàng", anh Hoàng Thái Sơn – Giám đốc Điều hành Autoshop, thuộc công ty TNHH Thương mại ATS Việt Nam làm rõ vấn đề.
Autoshop được thành lập năm 2016, hiện có 100 nhân sự cùng hệ thống hơn 200 đại lý trải khắp 63 tỉnh thành. Họ chuyên nhập khẩu và phân phối các thiết bị pha chế cho ngành F&B từ Italy, Đài Loan, Mỹ, Úc, Trung Quốc... Autoshop là đối tác của 90% chuỗi cà phê, trà sữa lớn nhất Việt Nam, như The Coffee House, Phúc Long, The Alley, Katinat, Aha Coffee… Bên cạnh đó, họ còn có dịch vụ tư vấn mở quán cà phê, đi kèm cung cấp các nguyên vật liệu cơ bản – trong đó có cà phê (với thương hiệu cà phê rang xay Power Coffee).
"Tuy giá cà phê có tăng cao nhưng chuỗi Every Half sẽ không điều chỉnh giá vì mấy điểm sau. Thứ nhất, chúng tôi đã trữ trước một lượng hàng cà phê nhất định. Thứ hai, hiện Every Half đang tự sản xuất được một số mẻ cà phê với 2 HTX liên tiếp. Do làm cùng nhau chứ không phải là mối quan hệ thương mại đơn thuần, nên chúng tôi vẫn giữ được mức giá ổn định với hợp tác xã.
Thứ ba, đúng là chi phí nguyên vật liệu tăng, nhưng tính ra thì chuỗi vẫn có thể chịu được vì mình bắt đầu có thêm các cửa hàng mới. Theo nguyên tắc, thì 'quy mô chuỗi ngày càng tăng, chi phí vận hành chuỗi sẽ giảm đi', chúng tôi có thể bù lại với phần tăng nguyên vật liệu đó", anh Phú Võ – Nhà sáng lập Every Half nêu cụ thể.
Hiện Every Half đã có 5 cửa hàng ở các quận trung tâm TP.HCM, không ít trong số đó tích hợp với các co-living MVillage của Nguyễn Hải Ninh. Nguyễn Hải Ninh và Phú Võ là những cộng sự thân thiết thời còn gây dựng và phát triển The Coffee House.
Vậy nên, khi giá cà phê tăng cao như hiện tại vẫn chưa ảnh hưởng quá nhiều đến các quán cà phê. Các ông chủ cho biết, nếu muốn tiết giảm chi phí, họ sẽ tìm cách cắt giảm ở các khía cạnh khác.
Ông Vũ Thanh Hùng – Tổng Giám đốc iPos thông tin, năm 2023, chúng ta đã chứng kiến một số các ông lớn rời bỏ mặt bằng có vị trí đắc địa, đơn cử như Golden Gate, Phúc Long Coffee & Tea, Highlands Coffee,... nhằm tối ưu lợi nhuận trên từng điểm bán hàng, loại bỏ các chi nhánh không hiệu quả.
Đầu tư các công cụ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu suất làm việc cho nhân viên cũng là một giải pháp mà nhiều chủ quán cà phê lựa chọn. Vậy nên, trong Cafeshow năm nay, Autoshop đã mang tới nhiều giải pháp về thiết bị pha chế mới có giá thành tối ưu hơn, chất lượng cải tiến hơn để giúp khách hàng tăng tỷ lệ kinh doanh thành công hơn.
"Hiện tại, thị trường Việt Nam ưa chuộng những dụng cụ pha chế trong quán cà phê đến từ Trung Quốc hơn cả, nhờ giá thành hợp lý, hiệu quả đầu tư cao, chất lượng và mẫu mã được cải tiến nhiều qua từng năm.
Còn theo quan điểm của tôi, các chủ quán cà phê nên lựa chọn những thương hiệu uy tín trên thị trường, được nhiều người tin dùng hoặc sử dụng phổ biến; đặc biệt phải có dịch vụ sau bán hàng uy tín, nhanh chóng nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình ổn định", anh Hoàng Thái Sơn đề nghị.
Dù giá nguyên liệu cà phê tăng cao cùng thị trường kinh tế khó khăn trong 2023-2024, song Autoshop cho biết họ vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng hai con số mỗi năm và không ngừng mở rộng quy mô.
Trong thời gian ngắn sắp tới, nhiều khả năng các chuỗi lớn sẽ không tăng giá sản phẩm. Highlands Coffee vừa mới có đợt tăng giá mạnh trên diện rộng trong năm 2022. The Coffee House cũng sẽ không liều lĩnh làm việc đó. Với chuỗi Katinat, các sản phẩm bán chạy nhất là sinh tố và nước trái cây, chứ không phải cà phê.
Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ ví dụ như chuỗi K COFFEE, sáng lập bởi Phúc Sinh. Các món trà - cà phê trong menu K COFFEE và các sản phẩm cà phê chế biến sâu như phin giấy/uống liền cũng đều tăng 10% từ đầu tháng 4/2024. Chuỗi K COFFEE hiện có 8 cửa hàng tại TP.HCM.
"Theo tôi, việc tăng giá bán còn nằm trong kế hoạch của các cửa hàng/chuỗi chứ chưa tăng trên thực tế nhiều. Trong vài tháng tới, nếu giá nguyên liệu cà phê tiếp tục tăng, các quán buộc phải điều chỉnh theo. Mức tăng dự kiến sẽ từ 2.000-3.000 đồng/ly với cà phê bình dân và 2.000-5.000 đồng/ly với các quán lớn hoặc chuỗi", ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc Công ty FnB Director - Horeca Business School dự đoán.