Ông Nguyễn Văn Lâm - giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim - cho biết để từng bước phục hồi và phát triển lại đàn sếu đầu đỏ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành "Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032".
Mục tiêu của đề án là phục hồi và phát triển loài này bằng biện pháp nuôi và thả lại môi trường tự nhiên. Giai đoạn từ 2024 - 2028 sẽ tiếp nhận 30 cá thể sếu đầu đỏ 6 tháng tuổi từ Thái Lan nuôi chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên.
Giai đoạn 2028 - 2032, tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng sẽ tiếp tục nhân nuôi, sinh sản. Mục tiêu đến năm 2032 sẽ nuôi thả 100 cá thể và tối thiểu có 50 cá thể có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài môi trường tự nhiên.
"Theo luật thì chỉ có các vườn thú mới có thể trao đổi động vật với nhau. Chúng tôi đã phối hợp với Thảo cầm viên Sài Gòn để đưa các cá thể về chăm sóc, cách ly, theo dõi trong 30 ngày. Sau đó sẽ đưa về Vườn quốc gia Tràm Chim. Dự kiến ngày 12-12, chúng tôi sẽ công bố đề án này rộng rãi", ông Lâm nói.
Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, được công nhận là Khu bảo tồn đất ngập nước quan trọng quốc tế - Khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.
Đàn sếu đầu đỏ suy giảm
Qua theo dõi, số lượng sếu đầu đỏ đã suy giảm qua từng năm, và chỉ ghi nhận các cá thể xuất hiện tại Vườn quốc gia Tràm Chim vào năm 2021 và năm 2024.
Đây là điều trăn trở, lo lắng không chỉ của chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp, mà còn là sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.