Ông Michel Barnier đã từ chức thủ tướng Pháp ngày 5-12 (giờ địa phương), một ngày sau khi chính phủ của ông bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại hạ viện.
Theo đài CNBC, tổng cộng 331 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ bước đi trên, vượt xa con số 288 phiếu cần thiết. Điều đáng nói là họ đến từ cả liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN).
"Đòn trừng phạt" này là động thái đáp trả sau khi ông Barnier dùng các quyền hành pháp để thúc đẩy một dự thảo ngân sách qua cửa quốc hội mà không cần bỏ phiếu.
Dự thảo này đề xuất các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 60 tỉ euro (63 tỉ USD) để giảm 5% thâm hụt ngân sách vào năm sau. Dù vậy, một số biện pháp trong số này không được lòng các đảng đối lập, như trì hoãn tăng lương hưu để phù hợp với lạm phát.
Là nhà ngoại giao kỳ cựu kiêm chuyên gia đàm phán - từng đảm trách việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - song ông Barnier không đạt được thỏa thuận về khoản cắt giảm trên bất chấp nhiều tuần thương lượng.
Hậu quả là ông trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất (3 tháng) trong lịch sử hiện đại Pháp. Chính phủ do ông dẫn dắt cũng là chính phủ đầu tiên thất bại trong việc bỏ phiếu tín nhiệm tại Pháp kể từ năm 1962 - theo Reuters.
Ông Barnier là thủ tướng thứ 5 kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron lên cầm quyền vào năm 2017, trong tình trạng thời gian điều hành của người sau luôn ngắn hơn người tiền nhiệm.
Ông Barnier được bổ nhiệm vào tháng 9 vừa qua để dẫn dắt một chính phủ thiểu số sau cuộc bầu cử quốc hội bất ngờ 3 tháng trước đó. Cuộc bầu cử do chính Tổng thống Macron phát động này không chỉ chứng kiến đảng trung dung của ông thất bại lớn mà còn chia Quốc hội Pháp thành 3 phần mà không bên nào chiếm đa số, cũng không bên nào chịu làm việc với bên nào.
Trước mắt, điều Tổng thống Macron cần làm ngay là bổ nhiệm thủ tướng mới. Tuy nhiên, ông Mujtaba Rahman, Giám đốc về châu Âu của Tổ chức Eurasia Group, nhận định với CNBC rằng "bất kể lựa chọn mới nào của ông Marcon cũng có thể bị Quốc hội Pháp loại bỏ bất cứ khi nào họ muốn".
Thông qua dự thảo ngân sách trước hạn chót ngày 21-12 cũng là một nhiệm vụ cấp bách. Nếu bỏ lỡ thời hạn này, chính phủ Pháp vẫn có thể ban hành luật để tránh nguy cơ bị đóng cửa bằng cách cho phép họ thu thuế và trả lương với mức chi tiêu được giới hạn ở mức năm 2024.
Đối mặt khó khăn chồng chất, bao gồm cả những lời kêu gọi mình từ chức ngày càng tăng, Tổng thống Macron vẫn tỏ ra điềm tĩnh.
Phát biểu tại Ả Rập Saudi ngay trước khi thủ tướng của ông bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Macron nhấn mạnh: "Chúng ta có một nền kinh tế mạnh. Pháp là quốc gia giàu có, đoàn kết và luôn gắn kết với cải cách". Ông đã kết thúc sớm chuyến thăm này và quay trở về Paris tối 4-12 (giờ địa phương).
Theo luật của Pháp, sẽ không có cuộc bỏ phiếu quốc hội nào nữa trước thời điểm tháng 7 năm sau. Trong khi đó, ông Macron mô tả những lời kêu gọi bỏ phiếu bầu tổng thống sớm - trước khi ông chấm dứt nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2027 - là "ảo tưởng chính trị".
Giữa những đấu đá chính trường, nhiều người dân bày tỏ lo ngại về hậu quả đối với đời sống thường ngày - theo khảo sát của Toluna Harris Interactive. Các nhà phân tích của Công ty tài chính SocGen nhận định: "Bất ổn chính trị hiện tại sẽ làm tăng rủi ro đối với các tài sản của Pháp, đồng thời có thể làm giảm cả đầu tư và chi tiêu tiêu dùng".
Theo Reuters, các nhà đầu tư đã cảm thấy lo ngại về trái phiếu chính phủ và cổ phiếu Pháp trong suốt nhiều tuần qua.
Chưa hết, tờ Guardian đưa tin Pháp chuẩn bị đối mặt các cuộc đình công trong khu vực công nhằm phản đối cắt giảm ngân sách. Dự kiến nhiều trường học sẽ đóng cửa, giao thông hàng không và đường sắt bị ảnh hưởng…
Châu Âu lo lắng
Việc Pháp đang trong tình trạng hỗn loạn cả về chính trị lẫn kinh tế không chỉ là mối quan tâm đặc biệt đối với người dân nước này mà còn đối với cả châu Âu, nhất là trong thời kỳ bất ổn sâu sắc trên toàn cầu.
Pháp, cùng với Đức, theo truyền thống được xem là "động lực" của Liên minh châu Âu (EU) về sức mạnh chính trị và tư tưởng. Tuy nhiên, động lực đó đang yếu dần. Đức sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 2-2025 sau khi chính phủ liên hiệp sụp đổ gần đây.
Còn với Pháp, bất ổn chính trị vẫn chưa đến hồi kết. Tổng thống Emmanuel Macron sẽ bổ nhiệm thủ tướng mới nhưng quốc hội vẫn bị chia rẽ giữa 3 khối chính trị đối đầu nhau, có khả năng kiềm chế nhau về những chính sách cải cách cần thiết và ngân sách mới.
Là nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực đồng euro, Pháp đang chứng kiến thâm hụt ngân sách tăng vọt, vượt xa mức tiêu chuẩn của EU.
Nợ công của chính phủ Pháp cũng gây lo ngại, không chỉ đối với người dân trong nước đang đối mặt chi phí sinh hoạt cao mà còn đối với phần còn lại của khu vực đồng euro. EU lo ngại những tác động dây chuyền có thể làm tổn hại đến uy tín của đồng tiền chung euro nếu tình hình tại Pháp mất kiểm soát.
Nhà phân tích thị trường ngoại hối Kyle Chapman tại Công ty giao dịch Ballinger Group (Anh) cho rằng tâm lý chính trị lao dốc ở Pháp, cộng với dữ liệu kinh tế vượt kỳ vọng tại Mỹ khiến đồng euro có khởi đầu tồi tệ trong tháng 12. Đồng euro giảm giá mạnh so với đồng USD do lo ngại ngày càng tăng về việc chính phủ Pháp sụp đổ sẽ làm đình trệ các kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách.
Xuân Mai