Ngày 3/8, Nano Technologies tuyên bố gọi vốn thành công 6,4 triệu USD trong vòng tiền series A. Không dễ để một công ty khởi nghiệp 2 năm tuổi huy động vốn thành công giữa lúc “mùa đông” đang đến với giới startup công nghệ. Nhưng cũng không quá bất ngờ, khi biết người đứng sau Nano là Đặng Việt Dũng - gương mặt được nhớ đến nhiều nhất với chức danh cựu CEO Uber Việt Nam.
Dẫu vậy, có lẽ đã đến lúc danh xưng này cần được thay thế. Nano Technologies là chuyến phiêu lưu mới của 2 đồng sáng lập Đặng Việt Dũng và Nguyễn Việt Thắng, trên con đường khai phá và gây dựng thị trường trả lương linh hoạt ở Việt Nam.
Chào anh Dũng và anh Thắng. Là đồng sáng lập nên Nano Technologies, hai anh có phải đã có mối quan hệ thân quen với nhau từ trước? Cả hai đã từng hợp tác với nhau trong dự án nào trước đó chưa?
CEO Đặng Việt Dũng: Tôi quen Thắng khoảng nửa năm trước khi chúng tôi bắt đầu với Nano. Trước đây Thắng làm cùng một vài người bạn của tôi. Giữa 2019, tôi có ý tưởng xây dựng mô hình trả lương linh hoạt tại Việt Nam nhưng một mình thì không làm được. Tôi không giỏi công nghệ, Thắng mới là người giỏi.
CTO Nguyễn Việt Thắng: Trước khi cùng đồng sáng lập Nano, tôi làm việc tại một startup công nghệ và tư vấn công nghệ. Ý tưởng của anh Dũng về việc làm một thứ có ích hơn cho xã hội, cho những người lao động yếu thế lại đúng là điều mà tôi đang thiếu. Trước đó, tôi chủ yếu làm việc với các startup nước ngoài và các công ty lớn ở Việt Nam nhưng luôn cảm giác rằng mình đang thiếu cái gì đó có thể thực sự tạo ảnh hưởng lan tỏa, có ích đến những người xung quanh hơn là thuần túy công nghệ.
Điều gì đã khiến anh Dũng nghĩ đến việc thực hiện mô hình trả lương linh hoạt này?
CEO Đặng Việt Dũng: Tôi từng làm việc tại Uber và có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người lao động có thu nhập thấp, hiểu một phần cuộc sống của họ. Tôi cũng làm việc với nhiều ngân hàng và nhìn thấy bức tranh khá tối về thị trường tín dụng cá nhân cho người thu nhập thấp tại Việt Nam, đặc biệt là tín dụng đen mà rất nhiều người lao động dính phải.
Theo số liệu chúng tôi nghiên cứu, khoảng 18 triệu người mỗi năm phải đi vay các công ty tài chính tiêu dùng. Đó là chưa tính cầm đồ, vay nặng lãi, vay app,... ít cũng phải có thêm 5-10 triệu người nữa. Nếu tính một phép tính đơn giản, cứ 2,5 người trưởng thành thì có 1 người đang dính vay lãi cao, thậm chí nặng lãi. Đó là vấn đề đủ lớn để giải quyết, và cũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nhưng tôi không nghĩ có thể triệt tiêu cầu, cách tốt nhất để giúp cung - cầu trên thị trường vận hành lành mạnh hơn là xây ra nguồn cung, sản phẩm có thể giải quyết triệt để vấn đề.
Trong khi đó, mô hình trả lương linh hoạt đã rất phát triển ở Mỹ, Anh. Nó không chỉ giải quyết rất tốt vấn đề an sinh tài chính cho người lao động thu nhập thấp mà còn là cầu nối xây dựng mối liên hệ bền chặt hơn giữa công ty và người lao động. Ngoài thực tiễn ra, đã có nhiều nghiên cứu minh chứng kết quả trên bằng số liệu thống kê.
Tôi tin rằng chủ doanh nghiệp hay nhà quản lý, không ai thấy thoải mái khi biết chính người lao động của mình đang có những khó khăn tài chính có thể hủy hoại tương lai của họ. Hơn nữa, trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh như hiện nay, ngoài câu chuyện tăng lương thì còn là phúc lợi cho nhân viên như thế nào. Tôi nghĩ đây là thời điểm phù hợp để xây mô hình này tại Việt Nam. Đó là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố, từ tình hình vĩ mô đến kinh nghiệm cá nhân và những thứ mình muốn làm nữa.
Vậy Vui App hoạt động thế nào, có giới hạn số lần rút hay hạn mức trong tháng không?
CTO Nguyễn Việt Thắng: Người lao động của doanh nghiệp hợp tác với Vui App mới có thể đăng nhập vào ứng dụng. Tại đây, chúng tôi cung cấp cho người dùng một hạn mức để rút tiền trong tháng. Hạn mức được tính từ việc người lao động đã đi làm như thế nào. Chúng tôi sẽ kết hợp với doanh nghiệp để biết được người lao động đi làm bao nhiêu ngày công, lương bao nhiêu, từ đó cấp hạn mức phù hợp. Về nguyên tắc, người lao động đi làm ngày nào thì được nhận lương ngày ấy. Quan trọng, đó không phải là thu nhập tương lai của họ, không phải khoản vay. Hầu hết mọi người ngại cảm giác vay nợ. Đây là một tâm lý rất quan trọng khi chúng tôi xây dựng Vui App.
Thao tác rất đơn giản, chỉ mất 30 giây đến 1 phút để thực hiện.
CEO Đặng Việt Dũng: Tôi nhớ kỷ lục thời gian người dùng thao tác là 5 giây. Có vài người dùng trẻ còn nói đùa: “Cái này nhận lương nhanh như trộm chó vậy anh!” (cười)
CTO Nguyễn Việt Thắng: Chúng tôi cho phép người lao động rút từ 100.000 đồng cho đến tối đa 70% thu nhập, tùy doanh nghiệp. Tại một số doanh nghiệp, với những nhân viên lâu năm, hạn mức có thể là 100%. Vui App sẽ tính phí giao dịch, cũng là loại phí duy nhất, không tính lãi nào khác. Tiền lương khi nhận linh hoạt sẽ chuyển đúng vào tài khoản lương của người lao động.
CEO Đặng Việt Dũng: Vui App không giới hạn số lần rút trong tháng. Chúng tôi chỉ đặt hạn mức cận trên và cận dưới. Cận dưới 100.000 đồng là mức tối thiểu mà người lao động có thể rút một lần. Tôi nghĩ đó cũng là số tiền đủ nhỏ và phù hợp với các nhu cầu của người lao động.
Còn cận trên đa phần là 70% thu nhập mỗi tháng. Tại sao là 70%? Vì nhu cầu của người lao động hầu hết khá nhỏ. Theo thống kê của Vui App, trung bình một người lao động rút 300.000 đồng/ lần, 4,5 lần/tháng. Hơn nữa, tôi không nghĩ nên để người người lao động rút hết, để rồi cuối tháng họ không còn đồng nào. Đúng là sẽ có những nhu cầu nhiều hơn thế nhưng Vui App chỉ mong muốn đáp ứng được cho họ một phần cơ bản thôi, còn lại họ vẫn nên có một phần nhỏ để nhận lương cuối tháng.
Ví dụ, người lao động muốn nhận lương sớm thì họ có thể rút tiền qua Vui với chi phí rẻ hơn 5-10 lần thẻ tín dụng. Tất nhiên chúng tôi không rẻ hơn ngân hàng, nhưng nếu bảo vay ngân hàng 200.000 đồng thôi thì không ngân hàng nào cho bạn vay cả. Ra tiệm cầm đồ mà bảo vay đôi ba trăm ngàn đồng chắc người ta mắng mình mất. Vay online cũng tối thiểu 1-2 triệu đồng. Còn nếu dùng Vui thì chỉ mất vài ngàn đồng, rẻ hơn tất cả các lựa chọn khác. Người lao động cũng không phải đi xin ai cả - điều này đặc biệt quan trọng vì chúng ta trao quyền cho CBNV - chẳng phải nộp đơn ở đâu mà có ngay lập tức.
Quan sát và trò chuyện với người lao động, các anh nhận thấy hành vi tài chính của họ như thế nào? Họ cần tiền vào thời điểm nào nhất?
CEO Đặng Việt Dũng: Tôi thấy rằng hầu hết ai cũng có ý định tốt nhưng trong cuộc sống có lúc này lúc kia, khiến họ phải đi vay. Nói chuyện với các bạn trẻ, các anh chị ở thành phố hay khu công nghiệp, tôi nhận thấy rằng 10-15 ngày trước khi trả lương, mọi người bắt đầu có dấu hiệu kẹt dòng tiền, đặc biệt với những người thu nhập dưới 10-15 triệu. Chính vì thế nếu xuống các Khu công nghiệp (KCN) trong khoảng thời gian từ 25 tháng này đến mùng 10 tháng sau (các KCN thường trả lương vào ngày 10-15 đầu tháng), bạn sẽ thấy các hoạt động cầm đồ sôi động lắm. Nước chảy chỗ trũng, có cầu sẽ có cung.
Nhưng tiền bạc vẫn là câu chuyện rất cá nhân, mỗi nhà một cảnh. Ban đầu chúng tôi kỳ vọng rằng người dùng sẽ có nhu cầu rút tiền từ ngày 15 trở đi nhưng có rất nhiều người từ ngay sau 2-3 ngày nhận lương đã có nhu cầu sử dụng rồi. Có người rút tiền đầu tháng, có người cuối tháng, thậm chí 5h sáng, 3h sáng hay 11h đêm cũng có. Một lần chúng tôi thấy người dùng rút 100.000 đồng lúc nửa đêm, tưởng rằng người dùng đem tiền đi đánh bài bạc nhưng hỏi mới biết, anh ấy vừa tan ca làm đêm mà hết tiền, rút tạm để đi ăn thôi.
Ở Việt Nam có khoảng 3-5% các doanh nghiệp đang có chính sách ứng lương giữa tháng cho người lao động, đó là điều rất tốt. Chỉ có điều, đa phần doanh nghiệp làm thủ công, phải phê duyệt và chỉ đúng duyệt 1 ngày trong tháng thôi, vẫn có cảm giác “xin - cho”. Trong khi nhu cầu của người lao động thì rất đa dạng về thời điểm. Nếu bảo công ty ứng tiền lúc 11h đêm thì làm sao họ ứng được. Vì thế mà Vui được xây dựng dựa trên nhu cầu của người dùng, có thể phục vụ đúng, đủ và kịp thời, xuất phát từ mục tiêu tốt của doanh nghiệp và từ nhu cầu thực tế, bất thường, bất cứ lúc nào của người lao động.
Đây là mô hình đã khá phổ biến ở một số nước phương Tây nhưng còn rất mới ở Việt Nam. Khi đưa mô hình này vào Việt Nam, các anh gặp thách thức gì?
CEO Đặng Việt Dũng: Hiện tại thị trường của chúng ta vẫn đang sơ khai nên việc đi khai phá không đơn giản. Bước vào thị trường mới nào cũng mệt thôi, nhưng đặc biệt trong mảng này vì người dùng là người lao động - rất thích sử dụng, nhưng người quyết lại là doanh nghiệp. Ở các doanh nghiệp lớn, ngoài mục tiêu tăng trưởng ra còn mục tiêu ổn định. Vì thế mà trước một mô hình mới, nhiều doanh nghiệp chưa nhìn nhận hết tổng thể mô hình, ngại thử cái mới thì sẽ chưa quan tâm. Tôi hoàn toàn hiểu điều đó. Khi đi nói chuyện, hầu hết các doanh nghiệp đều khen mô hình Vui App rất nhân văn và thiết thực, nhưng có doanh nghiệp dùng, có doanh nghiệp không. Có nhiều bên đứng nhìn mình và đợi.
Một sản phẩm B2B cần nhiều thời gian để thẩm thấu vào thị trường, không thể kỳ vọng tăng trưởng vèo vèo. Cách duy nhất chúng tôi có thể làm là chứng minh bằng kết quả, để người lao động tự nói lên kết quả đó, để mọi thứ “hữu xạ tự nhiên hương”.
CTO Nguyễn Việt Thắng: Mô hình kinh doanh của Vui khá đặc thù, vì làm việc với cả 2 phía: doanh nghiệp và người lao động.
Về phía người lao động, vì Vui tập trung phục vụ cho nhóm người lao động có thu nhập thấp và trung bình nên phải công bằng và minh bạch. Ứng dụng thu phí gì thì phải thông báo rõ ràng cho người dùng. Đó là cốt lõi rất quan trọng của Nano và theo tôi cũng là điều rất quan trọng khi làm các phần mềm về tài chính. Ngoài ra, cách thao tác phải đơn giản, dễ hiểu. Như bạn thấy, các thao tác nhận lương, nếu làm nhanh chỉ mất 10 - 15 giây là rút được tiền về tài khoản.
Về phía doanh nghiệp, các phần mềm, hệ thống mà họ sử dụng rất phân mảnh, mỗi bên sử dụng một phần mềm khác nhau, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang dùng Excel. Thách thức của Nano là làm thế nào để hệ thống của mình phải thích ứng được với hệ thống của doanh nghiệp, đồng thời không tăng thêm khối lượng công việc cho họ. Mình muốn tăng thêm phúc lợi cho doanh nghiệp, cho người lao động mà. Đó là một phần rất quan trọng, mình đem lại lợi ích nhưng phải cân bằng với công sức họ bỏ ra.
Thị trường còn sơ khai nhưng các anh sẽ có nhiều cơ hội hơn là tại một thị trường đã có quá nhiều người chơi!
CEO Đặng Việt Dũng: Tôi chỉ mong chúng tôi có thể xây được thị trường trước khi startup chết (cười). Nói gì thì nói, với startup, 2 đối thủ lớn nhất là tiền và thời gian. Hết tiền là chết, hết thời gian cũng chết. Tôi nghĩ, mọi sản phẩm trên đời này dù có xịn đến đâu đều có ngày hết hạn. Một mô hình kinh doanh cũng thế, cũng có thời hạn. Nếu nhìn trên sàn chứng khoán Mỹ, vòng đời của một công ty thuộc nhóm S&P 500 chỉ khoảng 30 năm, không phải 50-60 năm như trước. Mô hình khởi nghiệp cũng vậy, chỉ có một thời gian nhất định để kiểm chứng trên thị trường xem có thể khai phá được không.
Chúng tôi kỳ vọng rằng mình đang vào đúng thời điểm, có thể sẽ không nhanh nhưng khoảng thời gian để khai phá, xây thị trường vẫn đang còn, dù cũng có thể cũng đóng lại rất nhanh. Một tương lai mà chúng tôi đặt cược vào là dù công ty nào thành công với mô hình Chi lương Linh hoạt này, có thể Nano hoặc tập đoàn khác, chung sức vào xây mảng này lớn lên thì sẽ có hàng chục triệu người lao động được hưởng lợi. Đó là tiến bộ xã hội. Tôi nghĩ mình có tối đa 2-3 năm nữa để xây Vui App thành một cái gì đó được chấp nhận trên thị trường, chưa nói là quá rộng rãi nhưng có thể thực sự đi sâu vào đời sống ở một phân khúc nhất định.
Khách hàng đầu tiên của Vui App là ai, anh còn nhớ chứ?
CEO Đặng Việt Dũng: Là Annam Gourmet - chuỗi bán đồ thực phẩm cao cấp, từ tháng 6/2020. Chắc Thắng cũng nhớ, ở Annam Gourmet, chồng cũ của một chị nhân viên chẳng may dính vào vay nặng lãi. Chị có 2 con nhỏ và thỉnh thoảng chủ nợ lại đến nhà làm phiền. Chị phải lấy tiền trả, lãi mẹ cộng lãi con. Hồi trước khi công ty trả lương 1 lần/tháng, chị phải đem ra trả hết nhưng mà vẫn bị quá hạn trả, lại cộng thêm lãi vào. Đến khi dùng Vui, một phần chị ấy có thể rút để trả nợ, một phần lo cuộc sống. Chúng tôi biết tình cảnh của chị nên đề nghị miễn phí phí rút tiền, nhưng chị ấy từ chối. Chị bảo: mô hình của em rất thiết thực, các em làm ăn cũng phải có doanh thu, vậy là rất rẻ rồi. Đó là giây phút chúng tôi cũng nhận ra rằng: “Wow, cái mình làm ra khá có ý nghĩa”.
Nhiều khi làm kinh doanh không chỉ nhìn qua những con số, mà còn qua những câu chuyện. Điều đó cho chúng tôi mường tượng ra mô hình này đi vào đời sống như thế nào, có cửa hay không.
Hiện chúng tôi có khoảng hơn 30 khách hàng doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp dùng để tạo một lợi ích mới và giữ chân người lao động, hoặc tạo lợi thế cạnh tranh khi tuyển dụng. Rồi có doanh nghiệp đơn giản chỉ muốn giúp cho lao động của họ có thêm phúc lợi, chứ họ giữ chân tốt lắm rồi. Điểm chung của những doanh nghiệp đối tác với Vui App là họ thực sự đặt lợi ích CBNV lên hàng đầu, và luôn tìm phương pháp mới, hiệu quả để ngày càng thực hiện việc này tốt hơn.
Ngoài rút lương linh hoạt, Vui App hiện đang có và sẽ có thêm tính năng nào khác không?
CTO Nguyễn Việt Thắng: Chúng tôi xuất phát với tính năng rút tiền lương linh hoạt cho người lao động nhưng hiện tại, Vui App muốn cung cấp thêm phúc lợi cho người lao động bằng các tính năng khác nữa như nạp thẻ điện thoại, thanh toán tiền điện nước và tương lai sẽ còn thêm các loại dịch vụ khác, để giúp người dùng có được nền tảng tài chính tốt hơn, thuận tiện hơn và chi tiêu hiệu quả hơn.
Ngoài ra, chúng tôi muốn tăng thêm hiểu biết của mọi người về những vấn đề tài chính. Bạn cũng thấy trong quá trình đi học, thường không có nơi nào dạy mình cách quản lý tài chính như thế nào. Trong ứng dụng Vui, chúng tôi có thêm tính năng đó, cung cấp các bài viết để người dùng hiểu hơn về cách quản lý tài chính như thế nào.
CEO Đặng Việt Dũng: Tôi thấy rất nhiều người lao động thu nhập thấp, thậm chí thu nhập cao đi vay mà không biết nên vay như thế nào, lãi suất ra sao. Họ không hiểu lãi cộng dồn, lãi suất hằng năm là gì, đảo nợ là thế nào. Nếu chúng ta là một người được giáo dục, được dạy đàng hoàng về tài chính, tôi nghĩ không ai đi vay trên 30%, 50%/năm chứ đừng nói là 100%, 1.000%/năm. Mình còn không trả được, nói gì những người lao động thu nhập thấp. Nhưng đó là thực tế đang diễn ra.
Vậy nếu nói Vui hướng đến trở thành một Super App thì có đúng không, thưa hai anh?
CEO Đặng Việt Dũng: Chúng tôi chỉ muốn phát triển theo đúng cách mà các startup phát triển. Công ty không có nhiều nguồn lực nên chúng tôi muốn tập trung vào làm một loại sản phẩm mà mình biết chắc chắn, mình kiểm chứng được là nó giải quyết một vài nỗi đau rất cụ thể của người dùng. Và trải nghiệm của dịch vụ đó phải hay gấp 10 lần những gì người ta đang có. Chúng tôi muốn và hiện cũng làm được 80-90% như vậy.
Nhưng sau một thời gian, người dùng sẽ có những tiến hóa trong trải nghiệm, điều đó có nghĩa rằng mình phải tiếp tục đáp ứng những nhu cầu khác của họ. Chính vì thế mà chúng tôi tiếp tục cung cấp thêm những tính năng khác như Thắng vừa chia sẻ. Vui muốn giải quyết tận gốc vấn đề. Phần ngọn là đáp ứng nhu cầu về tiền của người lao động từ chính tiền lương của họ mà không cần đi vay. Phần gốc là song hành cùng họ một thời gian dài, xây dựng những nội dung, tư vấn tài chính miễn phí và xây dựng cho họ những thói quen lành mạnh hơn.
Vì thế mà chúng tôi không dám nói Vui App là Super App, hệ sinh thái hay nền tảng. Đơn giản đó là một sản phẩm mà chúng tôi muốn phục vụ tốt nhất cho nhóm người dùng yếu thế tại Việt Nam.
Tôi rất nể các anh chị làm startup, vì họ chịu áp lực rất lớn. Những áp lực mà các anh phải đối mặt thường xuyên là gì?
CEO Đặng Việt Dũng: Trước kia tại Uber, tôi và đội ngũ cũng xây thị trường từ không có gì thành có gì, từ 2 người lên gần 200 người, nhưng hồi đó vốn rất nhiều, công nghệ cũng rất tốt rồi. Có thể coi rằng mình đi vào từ con số 1 hoặc số 2, rồi xây lên 10 hoặc 100. Còn với Vui App, tôi, Thắng và team xây mọi thứ từ con số 0. Ban đầu chúng tôi làm việc trong văn phòng bé bằng nửa phòng họp này, có 5 người thôi. Cũng code từ đầu, đi hỏi khách hàng từ đầu, anh em thử đi vay nặng lãi xem có bị truy tìm không, lãi tính như thế nào.
Thắng cũng là người dạy tôi rất nhiều, dạy tôi lúc thất bại thì đứng dậy thế nào. Nhiều khi, làm thành công đã khó nhưng quyết định để dừng lại còn khó hơn rất nhiều.
CTO Nguyễn Việt Thắng: Tôi cũng từng startup, từng đồng sáng lập và thất bại. Có một điều khá hay, khi thất bại rồi và nhìn lại mới là lúc mình học được nhiều nhất. Bản thân nhận ra rằng, cái duy nhất mình đã thất bại là việc kinh doanh, còn những ý tưởng, những con người mình gây dựng nên cuối cùng vẫn ở đấy, là những thứ mình đã tạo dựng được.
CEO Đặng Việt Dũng: Tôi nghĩ thử thách rất lớn khi startup ở giai đoạn đầu, chủ yếu là mặt tâm lý cho founder. Mình lúc nào cũng như đang đi trên dây, cảm giác chông chênh, lúc thì ngả sang bên phải: “Ồ, sắp thắng to rồi!", hơi tí gió thổi lại ngửa sang bên trái: “Ồ, nếu công ty cứ thế này chắc 2 tháng nữa dẹp tiệm".
Chúng tôi vừa gọi vốn xong, nguồn vốn sẽ cho chúng tôi nguồn lực để đi được ít nhất 2-3 năm nữa nhưng tôi còn không có thời gian nghĩ đến việc ăn mừng. Start-up gọi vốn cũng như đi xe cần đổ xăng, hết thì tìm trạm mà đổ rồi đi tiếp chứ cũng không tổ chức ăn mừng ở đó. Bây giờ khi đội ngũ của chúng tôi lớn lên, có nhiều bạn rất trẻ và giỏi, mình lại thấy có trách nhiệm với cả team.
Trước kia anh em có 5 người thì nghĩ: “Cứ làm hết mình đã, khó quá thì lập cái khác", nhưng khi công ty lên 50 người thì không thể nói đơn giản thế được, vì chúng tôi còn trách nhiệm với người dùng, với đối tác - họ là lý do mà Vui App ra đời. Và cả những nhà đầu tư mạo hiểm đặt niềm tin vào chúng tôi. Tôi không nghĩ đó là sức nặng, mà là trách nhiệm nên có của những người đứng đầu. Nó không chỉ đơn giản là cuộc chơi mà là thứ mình thực sự muốn xây và xây đến cùng thì thôi.
Cuối cùng, nỗi căng thẳng của mình cũng phục vụ cho một ý nghĩa nhất định, không chỉ giá trị kinh tế mà còn tạo ra thặng dư, giá trị xã hội. Và sự chông chênh cũng là một phần tất yếu của chuyến đi.
Áp lực như vậy, các anh thường làm gì để giải tỏa hoặc cân bằng cuộc sống của mình?
CTO Đặng Việt Thắng: Một trong những điều quan trọng là phải đặt được một kỳ vọng đúng. Đa phần mọi người thất vọng vì đặt kỳ vọng không đúng. Thường con người sẽ tập trung vào một phía, hoặc cái được, hoặc cái mất. Những người tập trung quá vào cái được thì tự tin quá, người tập trung vào cái mất lại tiêu cực quá. Quan trọng là mình luôn nhớ con đường mình chọn có điểm được, điểm mất là gì.
Tôi cũng đã khởi nghiệp nhiều, cái mất có thể là sự căng thẳng. Nhưng cái được với tôi là mình làm một thứ thỏa mãn tinh thần của bản thân. Và tôi cho rằng làm startup là một trong những cơ hội ít ỏi để phá vỡ những quy luật cũ, tạo ra những cái mới, vòng quay mới, cho cá nhân và cộng đồng. Sau này nhìn lại, dù biết có thể thất bại nhưng mình đã có một hành trình ra sao, tạo ra được những ảnh hưởng tích cực gì. Kể cả trong trường hợp thất bại, con người mình vẫn có những thay đổi tích cực, vẫn có câu chuyện để kể. Suy cho cùng, làm cái gì cũng vất vả cả.
CEO Đặng Việt Dũng: Như Thắng nói, làm CEO có cái vất vả của CEO, làm sale hay kỹ sư công nghệ cũng có cái vất vả riêng. Điều khác biệt duy nhất của nhà sáng lập là mình nhìn thấy sự vất vả của mọi người.
Nói thật tôi cũng rất muốn cân bằng cuộc sống và công việc, nhưng tôi không nghĩ mình có thể cân bằng được. Thực ra thời gian tôi phải làm việc khi khởi nghiệp với Vui App ít hơn so với những công việc trước. Hồi làm ở McKinsey, tôi làm 16 tiếng/ngày, ngủ có 3 tiếng. Bây giờ tôi vẫn ngủ được 6-7 tiếng/ngày, không phải tệ. Nhưng khi làm founder, đúng thật là lúc nào mình cũng nghĩ về công việc. Cái khó của tôi là mình cân bằng được về thời gian, cố gắng về nhà với vợ con lúc 7 rưỡi tối nhưng ăn cơm vẫn nghĩ đến công việc. Có lần căng thẳng vì một vấn đề cần giải quyết, tôi thử thiền và đếm thử xem mình đang nghĩ về vấn đề đó bao nhiêu lần, thì kết quả là 27 lần trong 30 phút.
Nhưng có một thứ mà tôi làm được. Mỗi khi về nhà chơi với vợ con, tôi nhìn sâu vào mắt và tập trung vào họ. Bởi khoảnh khắc mình cầm điện thoại lên hoặc nhìn ra khỏi mắt vợ con là tự nhiên lại nghĩ đến thứ khác. Nhìn vào mắt con khi con chơi, nhìn vào mắt vợ khi nói chuyện, tôi không nghĩ đến những thứ khác nữa.
Có khoảnh khắc nào, các anh lo rằng startup có thể thất bại chưa?
CTO Nguyễn Việt Thắng: Thường xuyên. Tôi bị tật “overthinking”, cái này anh Dũng cũng biết. Nhưng chỉ cần mình giữ niềm tin rằng mình làm điều này là đúng với mình, tốt cho mình và tốt cho mọi người. Mình học cách suy nghĩ đơn giản đi một chút, cho nhẹ lòng.
CEO Đặng Việt Dũng: Ngay trước khi gọi vốn thành công, tôi cũng lo không biết công ty sống được bao lâu nữa, phải nghĩ ra các kịch bản, giả sử 6 tháng nữa thị trường rơi tự do thì sao. Mình lo về những chuyện như thế hàng tuần. Nhưng ai cũng có nỗi khổ, niềm vui riêng, chỉ là mình chấp nhận nó hay không. Cái hay của tôi và Thắng là chúng tôi không đánh lừa bản thân mình, xác định làm startup sẽ khổ rồi, nhưng cũng có niềm vui riêng: mang lại niềm vui nhỏ cho người lao động.
Cảm ơn hai anh đã chia sẻ!