Nghi vấn Shark Hưng đầu tư vào công ty nghi là đa cấp biến tướng BBI Việt Nam?
Nổi lên từ 3 mùa chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ, Phó Chủ tịch Cen Group Phạm Thanh Hưng không chỉ được cộng đồng khởi nghiệp biết đến mà còn là gương mặt thân quen với nhiều người kinh doanh. Tuy nhiên mới đây vị Shark này vướng vào nghi vấn đầu tư và góp mặt vào một công ty đang bị nghi ngờ là đa cấp biến tướng.
Cụ thể, tháng 1 năm nay, Shark Hưng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Mall. Theo giới thiệu, với ứng dụng này, người bán có thể tìm kiếm được nguồn khách hàng trung thành (thông qua cơ chế mua sắm tích điểm) và quảng cáo miễn phí về các sản phẩm còn người mua nhận được nhiều ưu đãi lớn.
Tại một sự kiện khác tổ chức vào tháng 3, Shark Hưng còn vui vẻ khẳng định "sau lễ ký kết, hôm nay tôi đã trở thành người nhà của BBI rồi".
Tuy nhiên, theo VTV 24, có nhiều nghi vấn đặt ra liên quan đến hình thức hoạt động của BBI Mall, khi xuất hiện nhiều giao dịch "ảo" mua bán những sản phẩm không có thật và trả lãi suất cao nhằm mục đích thu hút người sử dụng đổ tiền vào ứng dụng. Ngoài chiêu thức trả lãi lên tới 180%/năm, BBI Việt Nam còn kéo người tham gia nhờ mức phần trăm hoa hồng hấp dẫn từ việc giới thiệu người mới vào hệ thống.
Mô hình kinh doanh đa cấp vốn tương đối phổ biến và hiệu quả trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động này đã bị biến tướng và trong thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp biến tướng để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân gây ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội.
Các dấu hiệu lừa đảo của mô hình kinh doanh đa cấp được cơ quan quản lý chỉ ra như mời chào người dân tham gia đầu tư, nộp tiền và hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì, hay khuyến khích người mua gửi hàng tại kho của công ty khi nào bán được thì đến lấy.
Bộ Công thương cách đây không lâu từng đưa thông tin gần đây các chủ thể kinh doanh đa cấp bất chính đã có xu hướng chuyển sang các mô hình hoạt động sử dụng phương thức đa cấp nhưng không mua bán hàng hóa thực sự để né tránh sự quản lý của cơ quan quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Và quan điểm "không thể khởi nghiệp từ không có gì"
Quay lại với shark Hưng, trong một buổi trao đổi Café Khởi nghiệp cách đây không lâu khi được hỏi về nếu không có nguồn lực để khởi nghiệp, ông cho biết:
"Nếu đúng theo cách tôi định nghĩa về khởi nghiệp thì không phải bạn nào cũng có tố chất để khởi nghiệp. Nếu như bạn không nhìn thấy ý tưởng nào cụ thể, bạn không nhìn thấy năng lực nào đặc biệt của bản thân mình đặc biệt bạn không nhìn thấy nguồn lực nào để có thể triển khai ý tưởng của mình thì tôi khuyên bạn từ từ đã, lập nghiệp đã, đi làm thuê đi đã. Rồi khi nào chúng ta tích lũy được kinh nghiệm, năng lực, kiến thức, nguồn lực thì chúng ta mới bắt đầu khởi nghiệp.
Các bạn gửi cho tôi rất nhiều những ý tưởng khởi nghiệp mà các bạn cho rằng thay đổi thế giới thậm chí các bạn nói rằng với ý tưởng này tôi có thể xóa sổ các thương hiệu như Apple hay thay đổi quỹ tiền tệ quốc tế vì tôi có đồng tiền này có thể giúp mọi người mua bán trao đổi. Nhưng thực ra tư duy của các bạn đôi khi quay trở về thời nguyên thủy khi người ta trao đổi lấy búa lấy rìu. Hàng đổi hàng quay trở về thời như vậy. Nhưng ý tưởng đó thực ra tôi cho rằng nó thiếu tính thực tiễn. Tất cả những việc chúng ta muốn khởi nghiệp chúng ta phải có một cái gì đó chứ không thể khởi nghiệp từ không có gì được. Các bạn hỏi tôi em không có gì cả, em muốn khởi nghiệp thì tôi khuyên là không nên khởi nghiệp".
Quan điểm này cũng đúng nếu nhìn dưới góc độ đầu tư khi một công ty không có nguồn lực hay không có bất cứ giá trị gì. Phóng viên báo Lao động từng chỉ ra rằng ứng dụng BBI Mall khá chậm chạp, sơ sài, thường xuyên quay vòng vòng. Dù được quảng cáo là có tới 600-700 ngàn tài khoản đăng ký nhưng kho hàng không hề phong phú như các ứng dụng thương mại điện tử thông thường.
VTV24 từng dẫn lời Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico cho rằng nếu nhìn vào mô hình BBI Mall trong việc thu hút người chơi có vẻ phức tạp nhưng đây vẫn là mô hình đa cấp biến tướng. Ở đó nguồn tiền trả cho người tham gia vẫn là lấy tiền của người sau trả cho người trước.
Cũng theo VTV24, nhiều chuyên gia nhận định công ty BBI Việt Nam đã rất tinh vi khi đưa ra mô hình ứng dụng mua sắm online BBI Mall với chiêu thức mang tên "thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử", phù hợp với xu hướng mua sắm qua mạng hiện nay nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Nhưng thực tế đây chỉ là "vỏ bọc" mà mục đích của người tham gia không phải là mua hàng mà là tham gia việc đầu tư, đổ tiền vào hệ thống. Tiền đầu tư thì được gọi là chiết khấu, còn lãi thì được gọi là chuyển đổi điểm thành tiền thật lên tới 180% mỗi năm.
Việc ký kết hợp tác với BBI Mall của shark Hưng có thể nói là khá kỳ lạ khi trái với quan điểm đầu tư cũng như khởi nghiệp được ông khuyên startup.