Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ diễn ra ngày 11/8, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải nêu kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm phần thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện lắp ráp trong nước.
Cụ thể, giá tính thuế giá trị đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước theo Thaco đề xuất sẽ được tính theo hướng: Giá trị sản xuất trong nước (tức là tỷ lệ nội địa hóa) được khấu trừ vào giá thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ông Tài cho biết, đối với ngành công nghiệp ô tô, để giúp doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ô tô trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thaco kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, Thaco cũng kiến nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật phát triển công nghiệp vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023.
Qua đó, tạo hành lang pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thái Lan, Indonesia đang làm rất tốt, Việt Nam vẫn chậm chạp
Liên quan đến đề xuất này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất của Thaco hợp lý trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương khuyến khích ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hoá.
Nhất là trong khi nền kinh tế đang khó khăn, thuế là công cụ phù hợp để kích thích thị trường và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hoá đang ở mức khoảng 8-10% đối với ô tô du lịch, khoảng 40-45% đối với ô tô tải và 50-55 % đối với ô tô khách. Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, mức giá đối với ô tô tải và ô tô khách sẽ giảm mạnh, còn ô tô du lịch sẽ chỉ giảm không đáng kể. Điều này phù hợp với chiến lược của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô.
TS. Ngô Trí Long cho biết, Thái Lan và Indonesia là những quốc gia đang thực hiện rất tốt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong khi Việt Nam vẫn còn phát triển rất chậm. Do đó, phải có các giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp.
"Đồng thời, phải có cả chính sách tín dụng, chính sách tài chính mà cụ thể là chính sách thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô, nếu không giá ô tô sản xuất, lắp ráp cao thì cũng rất khó để cạnh tranh", TS. Long nhìn nhận.