Trong báo cáo "Triển vọng thị trường toàn cầu" do Standard Chatered mới phát hành, nhóm phân tích cho rằng đồng USD có thể đạt đỉnh trong nửa cuối năm 2022 và sẽ giảm trong 6 - 12 tháng tới.
5 nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra làm cơ sở cho dự báo trên đầu tiên là kỳ vọng chính sách thắt chặt của Fed đạt đỉnh khi tăng trưởng giảm cùng dữ liệu lạm phát.
Thứ hai, các ngân hàng trung ương (NHTW), có thể sau này gồm cả NHTW Nhật Bản (BoJ), bình thường hóa chính sách tiền tệ để kiềm chế đồng tiền suy yếu khiến lạm phát tăng.
Thứ ba, dòng vốn rời Mỹ để tìm kiếm tài sản có giá tốt hơn; Thứ tư, tiếp tục phi đô la hóa và cuối cùng là do chính trị Mỹ và định hướng chính sách trong tương lai bất ổn.
Trong thời gian gần đây, giá USD đã phản ánh đáng kể những lần Fed tăng lãi suất, tăng trưởng toàn cầu chậm hơn và rủi ro trú ẩn an toàn.
Sự đảo chiều giảm của USD có thể gia tốc khi chính sách tiền tệ toàn cầu ngày càng hội tụ, lo lắng về tăng trưởng Trung Quốc bắt đầu giảm bớt, lo ngại về nguồn cung năng lượng giảm dần và căng thẳng Ukraine bắt đầu dịu bớt.
Các chỉ số kỹ thuật cho thấy chỉ số USD (DXY) có thể đã đạt đỉnh 109,30 vào đầu tháng này. Mặc dù chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng chỉ số này đạt mức cao hơn nhưng xét về góc độ phân tích kỹ thuật, việc phá vỡ mức hỗ trợ chính (của DXY) quanh mức 105,75 sẽ gia tăng niềm tin rằng xu hướng giảm của USD có thể về 103,70 ban đầu và sau đó về 102.
Báo cáo phân tích cho hay các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn ủng hộ đồng USD yếu hơn do nó đang được định giá quá cao trên nhiều mô hình định giá cơ bản. Tuy nhiên, rủi ro giảm giá của USD trong ngắn hạn có thể bị hạn chế bởi đồng EUR và GBP cũng chịu áp lực.
Dù ECB đã tăng lãi suất lên 0,5 điểm % trong tuần trước và chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm nhưng sự phục hồi của đồng EUR vẫn còn mờ nhạt. Nếu những khó khăn do lạm phát cao, tăng trưởng chậm lại, lo ngại sâu sắc về nguồn cung năng lượng và bất ổn chính trị ở Itlay tiếp tục diễn ra, EUR có thể kiểm tra lại mức tỷ giá ngang USD và có khả năng giảm về mức thấp mới quanh 0,98.
ECB đã gián tiếp ngụ ý rằng việc tăng lãi suất sẽ được ưu tiên hơn để ổn định đồng EUR nhưng dữ liệu tăng trưởng kinh tế làm dấy lên nghi ngờ liệu nền kinh tế có thể chịu được các đợt tăng mới trong thời gian tới hay không.
Đồng GBP của Anh cũng đối mặt với những khó khăn do lạm phát và tăng trưởng yếu bên cạnh biến động chính trị cho đến khi một Thủ tướng mới được chọn.
"Châu Âu dường như đang đối mặt với những bất lợi lớn hơn trong thời gian tới và chúng tôi cho rằng các đồng tiền hàng hóa là thách thức hàng đầu với USD", báo cáo viết.
Tuy vậy, báo cáo cũng đưa ra những rủi ro chính có thể khiến USD tiếp tục tăng giá bao gồm: (1) niềm tin hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ phục hồi và mở rộng tín dụng, (2) kinh tế toàn cầu suy yếu hơn nữa làm tăng sức hấp dẫn tương đối của tài sản Mỹ và (3) tâm lý rủi ro toàn cầu suy giảm hơn nữa khi căng thẳng chính trị và địa chính trị gia tăng.