Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây có thông báo duy trì diện hạn chế giao dịch với cổ phiếu HVG của công ty CP Hùng Vương do công ty vi phạm quy định không tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2 năm liên tục. Ngoài ra, công ty này còn chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2022, 2023 đã soát xét.
Trong quá khứ, Hùng Vương từng được mệnh danh là "vua cá tra", sở hữu 7 nhà máy đủ điều kiện xuất khẩu sang 27 nước EU và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Đông Âu, Trung Quốc...
Với tham vọng doanh thu tỉ USD, Hùng Vương không ngừng mua lại cổ phần nhiều công ty thực phẩm, thủy sản lớn tại Việt Nam và lấn sân sang bất động sản, mở rộng các kênh phân phối sang cả nước ngoài.
Tuy nhiên, từ sau năm 2015, tham vọng của Công ty Hùng Vương dần lụi tàn khi doanh thu lợi nhuận ngày càng đi xuống và đi đến thua lỗ nặng.
Tại kỳ Báo cáo tài chính năm 2019, công ty của "vua cá tra" Dương Ngọc Minh lỗ lũy kế hơn 1.700 tỉ đồng. Đầu tháng 8-2020, cổ phiếu HVG bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và chuyển sang giao dịch trên UpCoM.
Đầu năm 2020, nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp được "giải cứu" khi Hùng Vương cùng Công ty Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp (Thadi-công ty con của tập đoàn Trường Hải Thaco) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Tuy nhiên, công cuộc giải cứu này chỉ kéo dài đến tháng 7-2021 khi Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Trân Oanh và Chủ tịch HĐTV là ông Trần Bá Dương đồng loạt bán sạch hơn 19,8 triệu cổ phiếu HVG.
Đến tháng 12-2023, cổ phiếu HVG của Hùng Vương chính thức bị đình chỉ giao dịch trên UPCoM do công ty chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên.
Hồi đầu năm 2024, Công ty CP Hùng Vương đã công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc thoái vốn góp tại các công ty thành viên. Mục đích là để huy động nguồn vốn để thanh toán, xử lý triệt để các khoản nợ vay của công ty.
Trong báo cáo tài chính quý I/2020, nợ phải trả của Hùng Vương tính đến ngày 31-12-2019 đang ở mức 7.134 tỉ đồng.