Việc tăng 7 phiên liên tiếp là hiếm gặp tại bluechip với hàng tỷ cổ phiếu lưu hàng. Trong quá khứ, VHM từng lập chuỗi tăng 8 phiên từ 29/10/2019 đến 7/11/2019 (tăng 16%) và chuỗi 7 phiên (tăng 8%) từ 24/5/2022 đến 1/6/2022.
Xu hướng phục hồi đến ngay sau khi doanh nghiệp công bố nghị quyết của hội đồng quản trị thông qua việc mua lại tối đa 370 triệu cp. Thời gian dự kiến thực hiện là sau khi sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và công ty đã công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu theo quy định.
Phía công ty đưa ra quyết định khi thị giá rơi về vùng thấp lịch sử (dưới 35.000 đồng/cp vào 5-6/8). Theo văn bản công bố, lý do mua lại cổ phiếu là thị giá đang thấp hơn so với giá trị thực của công ty, nhằm bảo về quyền lợi của Vinhomes và cổ đông. Báo cáo tài chính quý II cho thấy giá trị sổ sách trên một cổ phiếu đạt khoảng 44.000 đồng/cp.
Khối lượng dự kiến mua tối đa 370 triệu cp nêu trên tương đương 8,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trường hợp mua đủ 370 triệu cp, vốn điều lệ sẽ giảm 3.700 tỷ đồng, qua đó thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng lên. Ước tính với thị giá kết phiên 22/8, ông lớn ngành bất động sản cần chi khoảng 14.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo ngành vật liệu xây dựng và bất động sản mới đây của BSC Research, tốc độ bán hàng của Vinhomes đang phù hợp với kỳ vọng của nhóm phân tích. Tuy nhiên việc ghi nhận bán sỉ một dự án tại TP HCM có thể chậm hơn kỳ vọng trong năm 2024 do thiếu thông tin về dự án.
Tương tự các doanh nghiệp bất động sản, Vinhomes chỉ mới đẩy mạnh mở bán từ cuối quý I. BSC cho rằng 6 tháng cuối năm và nửa đầu 2025 sẽ là điểm rơi bàn giao các sản phẩm đã bán, khi giá trị backlog đang ở quanh mức cao nhất trong lịch sử khoảng 118.700 tỷ đồng (trong đó 58% đến từ bán buôn). Qua đó lợi nhuận sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.