Ngày 17.4, thông tin thêm về vụ án đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô rất lớn vừa được triệt phá, lãnh đạo Đội 3 thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu phát hiện nhóm thuốc đông y giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau. Riêng nhóm thuốc tây y giả chưa phát hiện dược tính độc hại, nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.

10 trong số 14 bị can trong đường dây sản xuất thuốc giả đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra
ẢNH: CÔNG AN THANH HÓA
"Chúng tôi cũng đã tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, khi uống thuốc chữa các loại bệnh về xương khớp có chứa thành phần giảm đau nên uống xong sẽ cảm thấy hết đau ngay, khiến cho người bệnh tin dùng và tiếp tục sử dụng", một cán bộ điều tra vụ án cho hay.
Cũng theo thông tin từ Đội 3, các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả đã mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu… để tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.
Đáng chú ý, trong 14 nghi phạm đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ, không có người nào có trình độ, chuyên môn về sản xuất thuốc.

Hiện trường một cơ sở sản xuất thuốc giả của đường dây sản xuất thuốc giả
ẢNH: CÔNG AN THANH HÓA
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, Công an Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô rất lớn do Trịnh Doãn Giáo (40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) và Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi, ngụ tại chung cư Hapulico, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cùng cầm đầu.
Ngoài Giáo và Đạt, còn có 12 nghi phạm (Công an Thanh Hóa chưa cung cấp danh tính) khác tham gia đường dây sản xuất thuốc giả đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Tổng số thuốc giả thu giữ trong quá trình khám xét là hơn 39.500 hộp thuốc, trên hộp ghi tên các loại thuốc...
Kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa xác định, từ năm 2021, Nguyễn Tiến Đạt và Trịnh Doãn Giáo đã câu kết với nhau để sản xuất và tiêu thụ thuốc giả là thuốc tân dược và đông y (chủ yếu là các loại thuốc chữa các bệnh về xương khớp).
Bước đầu, Công an tỉnh Thanh Hóa xác định kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, tổng doanh thu các bị can thu được trong quá trình buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng là gần 200 tỉ đồng.