Xã hội

Vụ sản xuất sữa bột giả: Đề nghị các tỉnh rà soát hồ sơ, thanh kiểm tra

Tóm tắt:
  • Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong vụ sản xuất sữa bột giả.
  • Vụ án liên quan sản xuất, kinh doanh 573 sản phẩm sữa bột giả tại Hà Nội và nhiều tỉnh khác đang được công an điều tra.
  • Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm rà soát hồ sơ công bố sản phẩm sữa liên quan vụ việc.
  • Bộ Công thương chủ trì phòng chống thực phẩm giả, trong khi các địa phương chịu trách nhiệm cấp phép sản phẩm.
  • Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng, không bắt buộc kiểm nghiệm chất lượng sữa bột.

Liên quan vụ việc sản xuất, kinh doanh sữa bột giả tại Hà Nội và một số địa phương đang được cơ quan công an điều tra, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho hay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ công bố các sản phẩm. Sở đã yêu cầu chi cục rà soát, báo cáo việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ công bố các sản phẩm này.

Vụ sữa bột giả: Đề nghị rà soát và xử lý vi phạm trên toàn quốc - Ảnh 1.

Cơ quan công an đang điều tra về vụ việc sản xuất, kinh doanh 573 sản phẩm sữa bột giả tại Hà Nội và một số địa phương

ẢNH:CAND

Theo ông Cương, thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội có kiểm tra, hậu kiểm sản phẩm thực phẩm theo kế hoạch, nhưng sở y tế chưa nhận được báo cáo nào về việc phát hiện sản phẩm sữa vi phạm chất lượng.

Liên quan cấp phép, tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm sữa, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, sở y tế các địa phương chịu trách nhiệm quản lý cấp phép.

Với vụ việc sản xuất, kinh doanh sữa giả cơ quan điều tra đã phát hiện, ngoài các sản phẩm công bố tại Hà Nội, hàng trăm sản phẩm đã công bố tại các sở y tế khác. Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành rà soát soát việc tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm; thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan các công ty trong vụ việc sản xuất sữa giả.

Bộ Công thương chịu trách nhiệm phòng, chống thực phẩm giả

Theo quy định tại luật An toàn thực phẩm, 4 bộ tham gia quản lý thực phẩm là: Y tế, NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công thương và UBND các cấp.

Trong đó, Bộ Công thương chịu trách nhiệm chủ trì việc phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm (quy định tại khoản 5 điều 64 luật An toàn thực phẩm).

"Việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018/ NĐ-CP. Theo đó, đa số các thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường", đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết.

Quy định trao quyền công bố sản phẩm cho các doanh nghiệp để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính, nhưng khi công bố doanh nghiệp phải "cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố" (quy định tại Bản tự công bố và Bản công bố sản phẩm của Nghị định 15/2018).

Với sản phẩm sữa bột sản xuất trong nước, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng. Hiện không yêu cầu hồ sơ công bố sản phẩm có kiểm nghiệm về chất lượng, chỉ yêu cầu phiếu kiểm nghiệm về an toàn.

Các tin khác

Miền Bắc đón không khí lạnh vào cuối tháng 4

Dự báo khoảng ngày 24-28/4, miền Bắc có thể đón một đợt không khí lạnh yếu, không gây rét nhưng gây mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa đến mưa to, kèm các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh.