Chứng khoán

Ông Trương Gia Bình: "Hàn Quốc vươn mình thành cường quốc nhờ các Chaebol, còn Việt Nam sẽ có gì?"

Tóm tắt:
  • Chủ tịch FPT khẳng định FPT cần trở thành tập đoàn quốc gia, gắn tương lai với vận mệnh dân tộc.
  • Đại hội cổ đông FPT năm 2025 ghi nhận 2.020 cổ đông tham dự, lượng cao nhất từ trước đến nay.
  • Ông Bình nhấn mạnh FPT sẽ theo đuổi chiến lược 5 trụ cột AI, bán dẫn, ô tô, chuyển đổi số và xanh.
  • Ông đề cập đến cơ hội và thách thức trong năm 2025, nhấn mạnh sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
  • FPT sẽ phát triển thông qua hợp tác chiến lược, M&A và chú trọng đào tạo để đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và người dân.

FPT:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

Chiều 15/04, Tập đoàn FPT tổ chức Đại hội cổ đông năm 2025 tại trụ sở Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy, Hà Nội). Sự kiện ghi nhận số lượng cổ đông tham dự tăng đột biến so với một năm trước với 2.020 cổ đông tham dự (bao gồm 1.551 cổ đông tham dự trực tiếp và 469 cổ đông uỷ quyền), đại diện cho 66,77% cổ phần. Đây là lượng cổ đông tham dự đông nhất từ trước đến nay của FPT, vượt qua mức kỷ lục cũ đạt được vào năm 2022.

Trước hàng nghìn cổ đông trong và ngoài nước, ông Bình đã có nhiều phát biểu đáng chú ý về việc hoạch định tương lai FPT giai đoạn 2025-2027. Theo đó, người đứng đầu FPT khẳng định doanh nghiệp sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược AI - Bán - Xe - Số - Xanh (AI, bán dẫn, ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh). Theo ông, đây là 5 trụ cột sẽ tái định hình lại trật tự thế giới trong cuộc cách mạng công nghệ mới.

Nhìn lại những gì FPT đã làm được trong 5 mảng này, ngoài vấn đề doanh thu, lợi nhuận đều tăng vượt trội, ký được các hợp đồng khủng trị giá tới hơn 200 triệu USD, ông Bình nhấn mạnh vào nền tảng công nghệ mà FPT đã dày công xây dựng.

“Chúng tôi đặt ra mục tiêu mỗi người FPT phải tạo ra trợ lý ảo cho chính mình. Trước kia, nước ta có phong trào bình dân học vụ thì giờ đây, FPT có phong trào mới là “bình dân AI vụ”, tức là toàn dân học, toàn dân làm AI”.

FPT đã đầu tư, hợp tác với NVidia xây dựng 2 nhà máy AI Factory tại Việt Nam và Nhật Bản. Đây là nền tảng hạ tầng quan trọng bởi khi trí tuệ nhân tạo càng trở nên phổ cập thì nhu cầu nhà máy AI càng nhiều. “Rất nhiều quốc gia, tập đoàn lớn muốn cùng chúng tôi có thể xây ở Indonesia, Malaysia hay thậm chí ở Đức”, ông Bình nói.

Với những nền tảng đó, FPT sẽ bước vào năm 2025 đầy thách thức, biến động như thế nào?

KHÓ KHĂN CƠ HỘI LỚN CHƯA TỪNG CÓ CỦA VIỆT NAM TRONG NĂM 2025

Theo ông Trương Gia Bình, năm 2025 sẽ là năm vô cùng khó khăn nhưng cơ hội thì nhiều không thể tưởng tượng được. “Tự nhiên chúng ta có những con số 46%+10%. Vậy thì ai mua hàng của Việt Nam khi chúng ta bán vào Mỹ? Có những công ty may với khoảng nửa triệu lao động, họ sẽ đi về đâu? Chúng tôi thực sự lo lắng vô cùng”, ông Bình đặt vấn đề.

Ngay cả khi tới Anh, Singapore… - những nước được Mỹ ưu đãi thuế hàng đầu, ông Bình nhận ra người dân và Chính phủ của họ vẫn lo lắng. “Lo vì thế giới đang có là thế giới của hệ cộng sinh, của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Và khi chuỗi đó đứt gãy thì có thể đến cả nước Anh hay Singapore cũng chẳng thể sản xuất tốt cho dù họ không bị Mỹ áp thuế cao”.

Ông Trương Gia Bình: "Hàn Quốc vươn mình thành cường quốc nhờ các Chaebol, còn Việt Nam sẽ có gì?"- Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình.

2025 cũng sẽ là năm của những bất ngờ lớn khi mọi thứ có thể thay đổi trong phút mốt. “Những công ty trong ngành may mặc, họ phải chuẩn bị đơn hàng, nguyên liệu trong cả một năm trời, giờ đây đang chịu bao biến động dữ dội chỉ trong thời gian chớp nhoáng. Ngay cả FPT là một công ty công nghệ, ngày hôm nay chúng ta vẫn ở đây để nói chuyện về 3 năm sau, trong khi bên kia bán cầu, chính sách của Mỹ có thể thay đổi ngay trong đêm. Người dù giỏi, có nghĩ đến quay cuồng lăn ra đất cũng không thể tính trước được”.

Giữa những khó khăn trùng trùng ấy, Việt Nam nói chung và FPT sẽ có cơ hội như thế nào? Vị lãnh đạo FPT nêu quan điểm, trước hết, Việt Nam cần phấn đấu trở thành quốc gia hạng nhất về quản lý đất nước, tạo ra những điều kiện mà không có một quốc gia nào làm được.

“Ví dụ giờ tôi đi đâu cũng chỉ cần thẻ CCCD là đủ, đây là chuyện không thể nào có ở nhiều nước. Sau này, khi dịch vụ công được triển khai online toàn bộ, chúng ta có thể đăng ký kinh doanh chỉ tính theo thời gian từng giây thì tôi tin, đất nước mình sẽ đứng trước cơ hội không thể tưởng tượng nổi”.

Ông Trương Gia Bình: "Hàn Quốc vươn mình thành cường quốc nhờ các Chaebol, còn Việt Nam sẽ có gì?"- Ảnh 2.

Chủ tịch FPT khẳng định Việt Nam đang đứng trước cơ hội không thể tưởng tượng nổi.

Thứ hai, theo ông Bình, nước ta phải tranh thủ cơ hội từ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với sức mạnh công nghệ lớn, Việt Nam sẽ trở thành tổ chức cạnh tranh hàng đầu. “Tôi ví dụ, báo cáo thường niên ngày xưa tôi phải tự ngồi viết rất chỉn chu nhưng vài năm gần đây tôi đã giao cho AI làm toàn bộ. Sự tiến bộ về công nghệ sẽ giúp chúng ta rất nhiều việc”.

Sức mạnh thứ ba, theo vị Chủ tịch FPT, là chúng ta phải giải phóng năng lực vô địch của mỗi người dân Việt Nam, đó chính là dân doanh, là kinh tế nhân dân, vận dụng từ bài học chiến tranh nhân dân khi xưa.

“Bài học từ FPT là khi chúng tôi ra nước ngoài chinh chiến, thất bại và chúng tôi nhận ra mình phải quay về bên trong, phải biết cách giải phóng sức mạnh của mỗi người FPT thì mới có sức để chiến đấu. Giống như cuộc cách mạng về AI bây giờ thì toàn dân phải học, phải làm AI”.

Vấn đề thứ tư, ông Bình nhấn mạnh là việc xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược với thế giới, trọng tâm là những lĩnh vực mà chúng ta muốn phát triển nhất.

"FPT MUỐN TRỞ THÀNH TẬP ĐOÀN QUỐC GIA"

Các kế sách này không chỉ là con đường tương lai cho Việt Nam mà nó cũng đúng với định hướng của FPT. Trong tương lai gần, ông Bình xác định FPT phải trở thành một tập đoàn quốc gia, gắn tương lai, sinh mệnh của doanh nghiệp với vận mệnh chung của toàn dân tộc. “ Hàn Quốc vươn mình thành cường quốc nhờ các tập đoàn Chaebol, còn Việt Nam sẽ có gì? Chúng tôi không quan trọng tên gọi nhưng đã đặt mục tiêu cho việc trở thành tập đoàn quốc gia” .

Để xây dựng tập FPT trở thành một tập đoàn quốc gia, ông Bình nhấn mạnh việc doanh nghiệp vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược Bán - Xe - Số - Xanh. “Vậy FPT sẽ làm 5 việc này thế nào? DeepSeek ra đời là một tia chớp. Họ không có tập đoàn lớn chi hàng chục tỷ USD hậu thuẫn? DeepSeek là mô hình nhỏ đáp ứng mục tiêu chung còn ở FPT, chúng tôi sẽ có những mô hình nhỏ tốt nhất trong từng chuyên môn. Ví dụ, CodeVista của chúng tôi được Microsoft đánh giá số 1 thế giới về AI code phần mềm. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đứng số 1 thế giới ở rất nhiều lĩnh vực cụ thể như viết phần mềm hay thậm chí có thể là hóa chất”.

Ông Trương Gia Bình: "Hàn Quốc vươn mình thành cường quốc nhờ các Chaebol, còn Việt Nam sẽ có gì?"- Ảnh 3.

Cơ hội thứ hai cho FPT là việc bắt tay với các quốc gia, tập đoàn lớn. Ông Bình gọi đó là chiến lược gả con cho hào môn.

Thứ ba, FPT tự hào có hàng nghìn kỹ sư trẻ tài năng và nhiệt huyết, những người sẵn sàng làm xuyên đêm để đáp ứng tiến độ công việc. “Đối tác của chúng tôi mê muội chuyện đó vì họ hầu như không thể tìm thấy ở đâu một tinh thần như thế”.

Thứ tư, FPT sẽ tiếp tục chiến lược M&A để thúc đẩy sự phát triển.

Thứ năm, đất nước ta đang đứng trước 4 cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra cùng lúc và rất nhanh (sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, cơ cấu lại các Bộ). “Đây là cơ hội FPT mang tất cả kinh nghiệm, hiểu biết ra để giúp các địa phương chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”.

Thứ sáu là vấn đề đào tạo. FPT là doanh nghiệp rất chú trọng vào đạo tạo và điều đó sẽ tiếp tục giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng về con người để tiến xa hơn trong tương lai.

Trong thời gian tới, chúng ta có rất nhiều việc phải làm là vươn ra thế giới, xây dựng đất nước, xây dựng doanh nghiệp xứng đáng với kỳ vọng của người dân và của tất cả quý cổ đông ”, ông Bình nói thêm.

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Toàn cảnh nhà ga gần 11.000 tỷ tại sân bay Tân Sơn Nhất trước ngày vận hành

TPO - Dự án nhà ga hành khách quốc nội T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút”, với các công đoạn vệ sinh và thử nghiệm vận hành được triển khai khẩn trương. Dự kiến, công trình có tổng vốn gần 11.000 tỷ đồng này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/4 tới.

Màn duyệt đội ngũ và biểu diễn nghệ thuật hùng tráng trong nắng gió Sơn Tây

Ngày 15/4, trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Trường Sĩ quan Lục quân 1 và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất diễn ra tại Sơn Tây (Hà Nội), hàng nghìn cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên của nhà trường đã có màn duyệt đội ngũ hùng tráng thể hiện sự chính quy, mẫu mực về điều lệnh đội ngũ; đồng thời thể hiện tài năng đặc biệt với chương trình nghệ thuật hoàng tráng, đặc sắc.