Phương án sáp nhập trên được Thành ủy TP.HCM thông qua tại hội nghị chiều 15.4 để thực hiện chính quyền 2 cấp và giảm từ 60 - 70% cấp xã của Trung ương Đảng. Hiện TP.HCM có 273 phường, xã, thị trấn thuộc TP.Thủ Đức, 16 quận và 5 huyện ngoại thành.
Theo đánh giá của Thành ủy TP.HCM, phương án sáp nhập còn 102 phường, xã đảm bảo cấp xã không phải là cấp huyện thu nhỏ, có quy mô dân số và diện tích tự nhiên quá lớn để xa dân. Đồng thời, đảm bảo chính quyền địa phương cấp xã quán xuyến được địa bàn, nắm bắt tình hình, gần dân, sát dân và phục vụ người dân tốt nhất.
Phương án này cũng giúp ổn định ranh địa giới hành chính, giảm thiểu tác động đến việc xác định bản đồ hiện trạng, bản đồ đất đai, hoạt động quản lý nhà nước về xây dựng, đất đai trong quá trình chuyển tiếp.
Như vậy, với phương án 102 phường, xã đã được Thành ủy TP.HCM thông qua, sau khi sáp nhập 2 tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM mới sẽ có 168 phường, xã, đặc khu. Trước đó, Bình Dương xây dựng phương án sắp xếp từ 91 phường, xã còn 36 phường, xã. Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm từ 77 phường, xã còn lại 30 đơn vị hành chính cấp xã.

TP.HCM sau sáp nhập sẽ còn 102 phường, xã
ẢNH: NHẬT THỊNH
Liên quan đến công tác cán bộ, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM đề nghị cấp ủy quận, huyện, phường, xã rà soát nguồn cán bộ, đánh giá và báo cáo tình hình đội ngũ của địa phương.
Ban Tổ chức Thành ủy sẽ phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Sở Nội vụ TP.HCM rà soát nguồn cán bộ toàn thành phố để tham mưu xây dựng phương án nhân sự các xã, phường sau sắp xếp. Đồng thời, tham mưu xem xét, điều động, phân công, bố trí nhân sự cấp huyện, cấp xã hiện tại để giới thiệu giữ chức vụ ở cấp xã mới ngay sau thành lập.
Riêng đại hội Đảng các cấp, TP.HCM sẽ tổ chức đại hội đảng viên và đại hội cơ sở trước ngày 30.6; đại hội đại biểu cấp trên trực tiếp cơ sở và xã, phường, đặc khu trước ngày 31.8; Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM tổ chức trước ngày 31.10.
Sau sáp nhập, TP.HCM mới thành siêu đô thị
Việc sáp nhập TP.HCM và 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương nhằm đưa TP.HCM là thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy tiềm năng về diện tích, dân số, tăng trưởng kinh tế để trở thành một cực tăng trưởng mới của cả nước.
TP.HCM sau hợp nhất rộng 6.772 km2, dân số hơn 13,7 triệu người, có 168 đơn vị hành chính cơ sở, thành một siêu đô thị mới của khu vực Đông Nam bộ, thu ngân sách năm 2024 của 3 địa phương này gần 678.000 tỉ đồng.
TP.HCM đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận tiếp tục tạo cơ chế thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển áp dụng cho TP.HCM sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2030.