Trao đổi với Thanh Niên ngày 8.7, một lãnh đạo Ban Quản lý, duy tu các công trình NN-MT Hà Nội (gọi tắt là Ban Quản lý) cho biết, Sở NN-MT Hà Nội và các đơn vị liên quan đã nhận được kiến nghị, phản ánh của người dân khi cải tạo, nâng cấp đường cao hơn nền nhà.

Hệ thống hào kỹ thuật án ngữ trước cửa nhà các hộ dân trên đường Ngô Quyền
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Đối với kiến nghị của người dân, Sở NN-MT Hà Nội đã chỉ đạo Ban Quản lý phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công rà soát lại toàn bộ dự án.
"Sau khi tư vấn thiết kế rà soát và có phương án cụ thể, phù hợp thì Ban Quản lý sẽ tổ chức làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng để đảm bảo dự án để dự án phát huy hiệu quả, đồng thời đảm bảo tiêu thoát nước và an sinh xã hội", vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Như đã đưa tin, thời gian gần đây, trên đường Ngô Quyền và đường Lý Tự Trọng (thuộc P.Hà Đông, Hà Nội) đã được thi công các hạng mục hệ thống cống thoát nước mặt, nước thải sinh hoạt, hào kỹ thuật...
2 tuyến đường này thuộc Dự án đầu tư cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây TP.Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa), do Ban Quản lý (thuộc Sở NN-MT Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, quá trình thi công, người dân hốt hoảng khi thấy cao độ mặt đường và hạ tầng kỹ thuật mới cao hơn nền đường cũ và nền nhà dân từ 0,4 m đến hơn 1 m. Để đi lại, nhiều người đã làm "cầu vượt" bắc lên miệng cống kỹ thuật trước nhà. Nhiều người dân lo lắng việc nâng cốt nền tuyến đường sẽ khiến nhiều ngôi nhà bị mất nửa tầng 1.
Đường Ngô Quyền có cao độ mặt đường hiện trạng khoảng từ 5 - 5,3 m, cao độ nền nhà dân hiện trạng từ 5,3 - 5,6 m. Công ty thiết kế trước đó chọn cao độ hoàn thiện mặt đường từ 6,1 - 6,2 m nhằm bảo đảm yếu tố kỹ thuật, tuân thủ theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị đã được Hà Nội phê duyệt.