WP: Tên lửa bất khả chiến bại của Nga "phát nổ trong silo"
Tờ Washington Post (Mỹ) ngày 23/9 đưa tin, các bức ảnh vệ tinh do công ty Maxar vừa công bố cho thấy một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat – được mệnh danh "bất khả chiến bại" của Nga - đã phát nổ trong cuộc thử nghiệm gần đây, làm dấy lên câu hỏi về năng lực quân sự và khả năng răn đe hạt nhân của Nga.
Trong các bức ảnh, có thể thấy một hố lớn rộng hơn 60m và mức độ thiệt hại đối với các khu vực xung quanh silo (hầm phóng) phóng tên lửa ở sân bay vũ trụ Plesetsk, vùng Arkhangelsk (miền bắc nước Nga).
"Có thể nhìn thấy một hố lớn (rộng khoảng 62m) tại silo phóng và có thể thấy mức độ thiệt hại tương đối lớn trong và xung quanh silo phóng. Điều này cho thấy tên lửa đã phát nổ ngay sau khi bộ phận đánh lửa được kích hoạt hoặc ngay sau khi phóng" – Chuyên gia phân tích George Barros tại Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) viết trên X.
Trong khi đó, các chuyên gia vũ khí khác vẫn chưa rõ liệu tên lửa Sarmat đã phát nổ trong quá trình phóng hay trong quá trình tiếp nhiên liệu.
"Theo các dấu hiệu thì cuộc thử nghiệm ICBM Sarmat diễn ra từ ngày 19-23/9 đã kết thúc trong thất bại" – Ông Pavel Podvig, chuyên gia phân tích phụ trách dự án Lực lượng hạt nhân Nga tại Geneva (Thụy Sĩ) nhận định khi phân tích các hình ảnh vệ tinh – "Mức độ phá hủy cho thấy tên lửa đã phát nổ trong silo".
RS-28 Sarmat còn được gọi là Satan II, và là ICBM mới nhất của Nga hiện nay. Tên lửa dài 35 mét, tầm bắn 11.000 dặm (17.702km), trọng lượng phóng hơn 208 tấn, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, cũng như tên lửa siêu thanh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng mô tả RS-28 Sarmat là một vũ khí không thể đánh chặn. Ông tuyên bố hệ thống này không có giới hạn về tầm bắn và có khả năng tấn công các mục tiêu ở cả Bắc Cực và Nam Cực.
Theo các nhà phân tích phương Tây, loạt vấn đề mà Sarmat gặp phải một phần là do tổn thất tài chính và các khoản nợ ngày càng gia tăng của Cơ quan vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos, cũng như các nhà thầu của cơ quan này.
Một số nhà thầu của Roscosmos đã chịu lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2014, và hầu hết các hợp đồng quốc tế của họ đã bị hủy bỏ sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tháng 2/2022.
"Các lệnh trừng phạt và việc bị hạn chế tiếp cận công nghệ phương Tây đã dẫn tới sự chậm trễ trong sản xuất và tổn thất lớn hơn" - WP cho hay.
Lộ manh mối vén màn sự thật?
Thông tin về vụ nổ tên lửa Sarmat đã được truyền thông Nga đề cập trong ngày 22/9. Tuy nhiên, thông tin đang chia làm 2 chiều.
Tờ Topcor dẫn lời "một số nhà phân tích quân sự Nga" cho biết, tên lửa đã phát nổ ngay trong silo, làm hình thành một hố lớn.
Ngoài ra, hệ thống giám sát hỏa hoạn FIRMS đã ghi nhận một vụ cháy nghiêm trọng ở khu vực Plesetsk.
"Rất có thể, các chuyên gia sẽ cần rất nhiều thời gian để khôi phục cơ sở hạ tầng của bãi thử" – Topcor cho hay.
Các chuyên gia lưu ý rằng, hiện tại trong số ICBM của Nga chỉ có RS-28 đang được thử nghiệm, và quy trình này là cần thiết để loại bỏ tất cả các khiếm khuyết hiện có.
Trong khi đó, trang tin News.ru (Nga) dẫn nguồn từ kênh tin tức INSIDER-T cho rằng, "không có khả năng tên lửa Sarmat xảy ra sự cố tại bãi thử nghiệm". Kênh này dẫn một manh mối liên quan tới độ lớn của chiếc hố được cho là hình thành sau khi tên lửa Sarmat phát nổ.
"Các nhà phân tích phương Tây nên nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên đó để đưa ra kết luận về loại hố nào mà tên lửa Sarmat sẽ để lại nếu phát nổ. Ở các bức ảnh được công bố, hố này thậm chí không đạt đến mức của tên lửa Iskander (nếu phát nổ)" - INSIDER-T bình luận.
Kremlin phản ứng
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về thông tin "tên lửa RS-28 Sarmat phát nổ" do truyền thông phương Tây đăng tải, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ông không nhận được thông tin nào về vấn đề này.
"Chúng tôi không có thông tin nào về vấn đề này. Đây là câu hỏi nằm trong thẩm quyền của quân đội Nga" – Ông Peskov nói.
Theo tờ Eurasian Times và UPress, đây không phải lần đầu tiên có thông tin về thất bại trong quá trình thử nghiệm tên lửa Sarmat, nhưng đây là "lần đầu tiên Điện Kremlin đưa ra bình luận liên quan".
Trước đó, vào tháng 2/2023, các quan chức Mỹ cho biết, cuộc thử nghiệm ICBM Sarmat của Nga trong thời gian diễn ra chuyến thăm Ukraine của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thất bại.
Tuyên bố của các quan chức Mỹ một phần dựa trên bài phát biểu của Tổng thống Putin vào thời điểm đó, trong đó nhà lãnh đạo Nga không hề "đả động" tới vụ phóng tên lửa mà vốn dĩ ông rất tự hào.
Theo Eurasian Times, việc Nga liên tục đưa ra cảnh báo hạt nhân và ám chỉ một cách tinh tế về sự sẵn sàng của vũ khí hạt nhân thì vụ thất bại (nếu có) của vụ thử tên lửa mới nhất này sẽ không phải là tin tốt cho Moscow. Các quan chức Nga trong thời gian qua đã nhắc tới tên lửa Sarmat như mối đe dọa đối với phương Tây.
Trong tuần trước, khi phản ứng trước lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo châu Âu về việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế nhằm cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đã cảnh báo khả năng Moscow sử dụng Sarmat để trả đũa.
"Để các vị nắm rõ thì thời gian bay của tên lửa Sarmat tới thành phố Strasbourg ở Pháp (nơi đặt trụ sở của Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu) là 3 phút 20 giây" – Ông Volodin viết trong một tuyên bố trên Telegram. "Nga sẽ đưa ra phản ứng cứng rắn bằng cách sử dụng vũ khí mạnh hơn. Do đó, không ai nên mơ hồ về điều này".