Chỉ mới hơn 1 thập kỷ trước, Mark Zuckerberg không mấy bận tâm khi bày tỏ quan điểm chính trị của mình.
Nghiêm túc và lạc quan, vị CEO này đã vội vã lên sân khấu thảo luận các vấn đề mà ông quan tâm: nhập cư, công lý xã hội, bất bình đẳng, dân chủ trong hành động. Ông còn viết các chuyên mục ủng hộ quan điểm của mình, thành lập quỹ và từ thiện, thậm chí thuê hàng trăm người vì các mục tiêu chính trị.
Đó là Mark Zuckerberg ở tuổi 20. Mark Zuckerberg ở tuổi 40 là một Mark Zuckerberg rất khác.
Trong các cuộc trò chuyện vài năm qua, Zuckerberg bày tỏ sự hoài nghi về chính trị. Ông và những lãnh đạo Meta khác tin rằng cả 2 đảng đều ghét công nghệ và việc cố gắng tiếp tục tham gia vào các hoạt động chính trị sẽ chỉ khiến công ty bị giám sát chặt chẽ hơn.
Mới đây vào tháng 6 tại hội nghị Allen and Company — “trại hè dành cho các tỷ phú” ở Sun Valley, Idaho — Zuckerberg phàn nàn về phản ứng dữ dội đối với Meta xuất phát từ những khía cạnh chính trị nhạy cảm. Hơn chục người bạn, cố vấn và giám đốc điều hành cho biết ông đã từ bỏ mọi thứ.
“Tôi nghĩ mình không có nhiều hiểu biết về môi trường chính trị và tôi nghĩ mình đã đoán sai vấn đề một cách cơ bản”, ông Zuckerberg chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn tại San Francisco.
Tháng trước, ông Zuckerberg công khai bày tỏ sự hối tiếc về một số hoạt động chính trị của mình trong lá thư gửi Quốc hội. Ông cho biết vào năm 2021, chính quyền ông Biden đã gây sức ép buộc Meta kiểm duyệt nhiều nội dung về Covid-19 hơn mức bình thường. Ông cho biết sẽ không lặp lại những đóng góp đã thực hiện vào năm 2020 để hỗ trợ cơ sở hạ tầng bầu cử vì điều đó khiến ông có vẻ không "trung lập".
Những gì Mark Zuckerberg làm phản ánh sự thay đổi lớn tại Thung lũng Silicon, nơi các giám đốc điều hành ngày càng thất vọng với các vấn đề xã hội gây tranh cãi. Phản ứng đa phần là tránh xa.
Nu Wexler, giám đốc công ty tư vấn chính trị Four Corners Public Affairs kiêm cựu nhân viên của Facebook, cho biết: “Mark và những người đồng cấp của ông ấy có lẽ đang xem xét những rủi ro khi tham gia chính trị. Quyết định trung lập là lựa chọn an toàn hơn cho đến khi cuộc bầu cử này kết thúc”.
Đây là sự thay đổi đáng kể đối với một giám đốc điều hành từng trở thành gương mặt quen thuộc đại diện cho tổ chức vận động chính trị Fwd.US vào năm 2013, với mục tiêu giúp tạo ra con đường trở thành công dân cho những người nhập cư.
Hai năm sau, lấy cảm hứng từ Bill Gates, Zuckerberg và Tiến sĩ Chan còn thành lập Sáng kiến Chan Zuckerberg - một tổ chức từ thiện đã tài trợ 436 triệu USD trong 5 năm cho các vấn đề chính trị như hợp pháp hóa ma túy và giảm tù nhân.
Năm 2015, ông Zuckerberg và Tiến sĩ Chan viết một bức thư cho cô con gái nhỏ và bày tỏ mong muốn về một thế giới bình đẳng, nơi họ có thể “xóa bỏ đói nghèo”, “cung cấp cho mọi người dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản” và “nuôi dưỡng mối quan hệ hòa bình, thấu hiểu giữa người dân của mọi quốc gia”. Ông đã thuê một cựu cố vấn cấp cao của Obama, David Plouffe, để giám sát công việc.
Thế nhưng, trong vài năm tiếp theo, Zuckerberg và công ty của mình đã trở thành một cột thu lôi chính trị, bị xoay quanh bởi những người chỉ trích Facebook và dịch vụ chị em Instagram. Bắt đầu từ năm 2019, Zuckerberg bày tỏ sự bối rối về chính trị.
Vào năm 2021, vợ chồng vị CEO quyết định chấm dứt công việc chính trị nội bộ. Nhiều trong số khoảng 30 nhân viên tập trung vào chính trị trước đó đã từ chức hoặc được thuyên chuyển.
Theo lời một cộng sự, Zuckerberg đã ít tham gia chính trị hơn so với 2-3 năm trước.
Sau cuộc bầu cử năm 2020, ông Zuckerberg và Tiến sĩ Chan đã bị chỉ trích vì quyên góp 400 triệu USD cho Trung tâm phi lợi nhuận về Công nghệ và Đời sống Công dân nhằm thúc đẩy an toàn tại các điểm bỏ phiếu trong thời gian phong tỏa vì đại dịch. Hai vợ chồng coi những đóng góp của mình là nỗ lực phi đảng phái, mặc dù các cố vấn đã cảnh báo rằng họ sẽ bị chỉ trích vì đứng về 1 phe.
Vào cuối năm 2022, Lori Goler, giám đốc nhân sự của Meta, đã đưa ra một chính sách nội bộ mới có tên là “Kỳ vọng về sự tham gia của cộng đồng”. Chính sách này cấm nhân viên nêu ra các vấn đề tại nơi làm việc như phá thai, phong trào công lý chủng tộc và chiến tranh. Andrew Bosworth, giám đốc công nghệ của Meta, đã ủng hộ chính sách này.
Tuy nhiên, một cách rõ ràng, kế hoạch tắt các nội dung chính trị sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường. Báo cáo cho thấy lượt xem đối với các “nhà xuất bản tin tức chất lượng cao” như Fox News và CNN đã giảm đi đáng kể, trong khi nội dung từ những nguồn kém tin cậy lại tăng lên. Nhiều khiếu nại người dùng về thông tin sai lệch được ghi nhận, trong khi hoạt động quyên góp từ thiện thông qua Facebook giảm đi đáng kể trong nửa đầu năm 2022. Người dùng chắc chắn không thích những điều này.
“Trong nhiều năm qua, chúng tôi thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau, cuối cùng quyết định thực hiện các thay đổi nhỏ chậm mà chắc để hạn chế nội dung chính trị, đồng thời mang đến cho người dùng những trải nghiệm mà họ muốn”, Dani Lever, phát ngôn viên Meta nói.
Trên trang tin Mother Jones chuyên tập trung các vấn đề chính trị-xã hội, tổng lượt xem trên Facebook vào năm 2022 chỉ bằng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước đó. Monika Bauerlein, Giám đốc điều hành Mother Jones cho biết: “Thật tồi tệ khi nhận ra một công ty công nghệ đơn lẻ có quyền lực như thế nào đối với tin tức mà mọi người có thể truy cập”.
Theo WSJ, Facebook trong nhiều năm đã tồn tại mối quan hệ mâu thuẫn với chính trị - xã hội. Hiếm có chủ đề nào khiến người dùng nổi giận và tương tác trên mạng xã hội nhiều đến thế.
Phát biểu hồi năm 2019, Zuckerberg đã bảo vệ vai trò mạng xã hội đối với chính trị và xã hội. “Tôi tin rằng mọi người sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của chúng tôi để thảo luận về một số vấn đề họ quan tâm, từ tôn giáo đến chính sách đối ngoại và tội phạm,” vị CEO nói, đồng thời cho rằng vai trò của Facebook trong việc diễn ngôn công khai là lành mạnh.
Theo: The NY Times, WSJ