Như Báo Giao thông đã đưa tin, những ngày gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin trái chiều xung quanh cái chết của bà Lê Thị Minh ở xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Nhiều đoạn clip, livestream với nội dung kích động nhằm lôi kéo, kích động người dân để cản trở công tác giải phóng mặt bằng dự án Bắc Sông Cấm.
Chiều 7/7, UBND TP Hải Phòng đã có thông tin chính thức về vụ việc bà Lê Thị Minh tử vong 1 tuần sau khi được đưa ra khỏi khu vực cưỡng chế Dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm.
Một góc khu đô thị Bắc Sông Cấm ở xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng)
Bà Lê Thị Minh không thuộc đối tượng cưỡng chế, thu hồi đất
Trao đổi với PV Báo Giao thông về lý do cưỡng chế khu đất, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên cho biết:
Năm 1992, bà Lê Thị Minh hồi hương từ Hồng Kông về Việt Nam và ăn ở, sinh sống cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Tý (sinh năm 1930) và em trai là ông Lê Văn Côi (sinh năm 1960) tại thửa đất thuộc phía tây khu Bến Phà Bính, thôn Bến Bính, xã Tân Dương (tại thửa đất số 03, tờ bản đồ 11 theo mảnh trích đo địa chính thu hồi đất).
Theo thông tin kê khai để cấp sổ hộ khẩu năm 1997 thể hiện bà Lê Thị Minh thường trú tại số nhà 99, thôn Bến Bính, xã Tân Dương (là thửa đất bà Minh sống cùng mẹ và em trai).
Tuy nhiên, thửa đất trên do ông Lê Văn Côi (em trai bà Minh) đứng tên chủ sử dụng đất và nằm trong chỉ giới thu hồi đất để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm. Theo đó, hộ ông Lê Văn Côi đã được UBND huyện Thủy Nguyên phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và giao 01 lô đất có thu tiền sử dụng đất (lô số 09, LK05, diện tích 60m).
Khoảng năm 1999 đến năm 2000, hộ bà Lê Thị Minh chuyển ra vị trí thửa đất bên cạnh lô cốt Bến Bính (thửa 433, tờ bản đồ số 08) để xây dựng nhà và sinh sống tại đó.
Sau đó, bà Lê Thị Minh đã chuyển nhượng nhà ở gắn liền với đất cho ông Lê Hữu Quyền (việc chuyển nhượng đã được UBND xã Tân Dương xác nhận) và chuyển về sinh sống cùng với hộ con trai là ông Lê Văn Hùng tại thửa đất phía sau Bến xe Lam thuộc thôn Bến Bính B, xã Tân Dương (thửa đất số 199, tờ bản đồ số 08 theo mảnh trích đo địa chính thu hồi đất) cũng thuộc chỉ giới thu hồi đất thực hiện Dự án.
Ngày 12/12/2019, UBND huyện Thủy Nguyên ban hành Quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đối với hộ ông Lê Văn Hùng tại thửa 199, tờ 08 và được UBND huyện giao 01 lô đất tái định cư (lô 05, A09, diện tích 102m) tại phân khu A, tái định cư Bắc Sông Cấm xã Dương Quan. Năm 2020, hộ ông Lê Văn Hùng nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Sau đó, bà Lê Thị Minh chuyển ra vị trí thửa đất hộ bà Lưu Thị Tỵ (là mẹ vợ của ông Lê Văn Hùng) sử dụng tại thửa số 36, tờ bản đồ số 11 theo trích đo địa chính thu hồi đất.
Như vậy, việc ăn ở của bà Lê Thị Minh tại thửa đất số 36, tờ bản đồ số 11 do bà Lưu Thị Tỵ sử dụng được xác định phát sinh sau thời điểm UBND huyện Thuỷ Nguyên ban hành Thông báo số 113/TB-UBND ngày 17/4/2017 về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm tại xã Tân Dương.
Theo đó, không có cơ sở để xác lập quyền sử dụng thửa đất số 36, tờ bản đồ số 11 đối với bà Lê Thị Minh và bà Lê Thị Minh không thuộc đối tượng cưỡng chế thu hồi đất.
Hộ bà Lưu Thị Tỵ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và ký biên bản bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, quá thời hạn bàn giao đất theo biên bản đã ký nhưng hộ gia đình không thực hiện di chuyển tài sản và bàn giao đất đã có quyết định thu hồi. UBND huyện Thủy Nguyên đã thực hiện quy trình thực hiện việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với hộ bà Lưu Thị Tỵ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ bà Lưu Thị Tỵ, những người không có nhiệm vụ đều được mời ra khỏi khu vực cưỡng chế thu hồi đất, trong đó có bà Lê Thị Minh cũng phải được đưa ra ngoài. Tuy nhiên bà Lê Thị Minh tình trạng sức khỏe yếu, không có khả năng tự di chuyển
Theo UBND huyện Thủy Nguyên, do bà Minh sức khỏe yếu, không có khả năng tự di chuyển nên Ban cưỡng chế đã đề nghị người thân đưa bà Minh về nơi tạm lánh do UBND huyện Thủy Nguyên bố trí nhưng họ không thực hiện.
Sau đó, Ban cưỡng chế huyện Thủy Nguyên đã bố trí cán bộ, nhân viên y tế cùng trang thiết bị đưa bà Minh về chăm sóc và theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên từ ngày 1/7 đến chiều 6/7.
Trong quá trình chăm sóc, theo dõi, các bác sĩ thông báo sức khỏe của bà Minh chuyển biến xấu. Đến đêm 6/7, huyện Thủy Nguyên chỉ đạo lực lượng y tế huyện chuyển bà Minh lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp để điều trị nhưng bà Minh không qua khỏi.
Phối cảnh tổng thể dự án KĐT Bắc sông Cấm.
Cưỡng chế thực hiện dự án đại đô thị Bắc Sông Cấm
Dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc Sông Cấm là dự án trọng điểm của TP Hải Phòng nhằm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Đây được coi là một "siêu dự án", hình thành nên kết cấu hạ tầng mới giúp Hải Phòng mở rộng và xây dựng không gian đô thị thành phố mới, giảm tải cho khu vực đô thị cũ hiện nay.
Theo Quy hoạch, Khu đô thị mới Bắc sông Cấm có quy mô diện tích khoảng 324 ha với dân số 17.500 người. Dự án này gồm nhiều hạng mục trong đó có việc xây dựng trung tâm hành chính mới của TP. Hải Phòng. Theo đó, sau khi hoàn thành, toàn bộ các cơ quan hành chính của TP Hải Phòng sẽ chuyển sang vị trí mới tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm.
Hiện một phần dự án là cầu Hoàng Văn Thụ từ trung tâm thành phố bắc qua sông Cấm sang khu đô thị đã hoàn thành. Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn Thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm đã được phê duyệt, đang trong quá trình triển khai.
UBND TP Hải Phòng nhiều lần kiểm tra, đốc thúc UBND huyện Thủy Nguyên phải thực hiện tốt công tác GPMB. Lãnh đạo TP Hải Phòng chỉ đạo huyện Thuỷ Nguyên tiếp tục tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành các quy định của pháp luật, khẩn trương nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng phục vụ công tác thi công, phấn đấu trong tháng 6/2022 phải bàn giao được mặt bằng sạch toàn bộ Dự án.
Quá trình GPMB dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc Sông Cấm, UBND huyện Thủy Nguyên gặp nhiều khó khăn do diện tích thu hồi đất lớn, nguồn gốc đất phức tạp.