Thời sự

Vụ 42 người tháo chạy khỏi casino: Nỗi ám ảnh "tầng 8"

Sang đến Campuchia vẫn chưa hay bị bán

Chỉ vào những vết sẹo do bị tra tấn chích điện còn lưu lại trên da, em L.V.H (18 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) bàng hoàng nhớ lại những ngày đầu tin lời người môi giới để rồi bị lừa bán cho 2 sòng bạc ở Campuchia.

Vụ 42 người tháo chạy khỏi casino: Nỗi ám ảnh 'tầng 8' - Ảnh 1.

Các công dân được nhận hỗ trợ lộ phí về quê Ảnh: Kim Hà

Bố H. mất sớm, mẹ lại bệnh nặng, hai mẹ con sống nương nhờ bà ngoại năm nay đã 78 tuổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên L.V.H sớm lao động để chăm lo cho gia đình.

“Em ở quê ra Hà Nội làm ở một nhà máy mì được một thời gian thì thất nghiệp. Do đó, em đã lên mạng tìm việc. Thấy người ta đăng bài công việc cũng nhẹ nhàng, lương cao nên liên hệ thì có một người đàn ông gọi cho em bảo “bên anh làm công việc trên máy tính ở Sài Gòn. Tháng đầu là 20 triệu đồng; nếu 2 - 3 tháng sau em làm tốt thì tăng lên 28 - 30 triệu đồng/tháng; tiền xe thì anh lo hết cho em”. Rồi họ bảo cung cấp giấy tờ tuỳ thân và có chụp mặt lại hết (hồ sơ xin việc) nên em thấy yên tâm, an toàn và bắt xe vào Sài Gòn luôn”.

Vụ 42 người tháo chạy khỏi casino: Nỗi ám ảnh 'tầng 8' - Ảnh 2.

L.V.H chỉ vào các vết chích điện còn in hằn trên tay Ảnh: Kim Hà


Khi đến nơi, có 2 người đón L.V.H lo ăn uống và cho ở khách sạn nghỉ ngơi rất chu đáo. Đến gần tối, họ đưa em này lên Tây Ninh. Tới nơi, đã có một xe chờ sẵn, cứ vậy L.V.H lên xe thôi và cứ nghĩ, người ta đưa mình đi làm, không hề biết bị đưa qua biên giới .

“Lúc đó, trời tối đen, ngồi trong xe, em không thấy được bên ngoài; di chuyển khoảng hơn 1 giờ thì đến Campuchia. Ngoài em ra thì còn có khoảng 10 người đi cùng đợt nhưng họ đi khác xe. Qua đến đất Campuchia rồi em vẫn chưa biết mình bị bán. Đến khi vào công ty và không ra ngoài được thì em mới biết”, L.V.H nói.

Khoảng 17h30 ngày 23/8, chính quyền tỉnh An Giang trao cho 40 người mỗi người 1,5 triệu đồng để làm lộ phí về quê từ nguồn kinh phí vận động từ các sở, ban, ngành tỉnh và các nhà hảo tâm trên địa bàn.

Ở chỗ mà mọi người gọi là “công ty” nhưng lại bắt các công dân Việt Nam lên mạng lừa đảo người khác qua các app có giao diện giống Shopee, Lazada, Zalo... mà bọn chúng tạo ra.

L.V.H trần tình: “Chúng buộc em vào ứng dụng hẹn hò trên Facebook để điền thông tin giả làm nữ, rồi làm quen hẹn hò. Khi nói chuyện vài ngày, đối tượng có tình cảm, tạo được sự tin tưởng, sẽ yêu cầu chuyển tiền mua đồ và chiếm đoạt nộp cho bọn chúng”.

Làm không đạt chỉ tiêu, chỉ mới 15 ngày L.V.H đã bị chích điện, đánh đập dã man rồi bán cho casino Rich World với giá 3.000 USD.

Tại đây, em này làm được 4 tháng nhưng không đạt chỉ tiêu thì bị đưa lên tầng 8 còng lại đánh đập, chích điện suốt 8 ngày. L.V.H 2 lần bị đưa lên tầng 8.

“Ở đây ai cũng có nỗi ám ảnh “tầng 8”. Bước vào trong đó như bước vào địa ngục, khắp tường toàn máu me thôi. Ở đó, bọn nó tra tấn người không biết thương xót”, L.V.H nói.

Theo L.V.H, bên trong nơi làm việc có khoảng 20 thanh niên cao lớn người Trung Quốc trực. Nếu ai không làm được thì chúng trực tiếp lôi lên tầng 8 để “xử lý”.

Vụ 42 người tháo chạy khỏi casino: Nỗi ám ảnh 'tầng 8' - Ảnh 3.

Anh N.Đ.H kể về kế hoạch trốn chạy Ảnh: Kim Hà

Bọn buôn người xem người làm như món hàng và định giá mua bán. Cụ thể, chúng cộng tiền đã bỏ ra để mua người về với tiền ăn, tiền trọ của họ để tạo khoản nợ và bắt lao động để trả dần.

“Có lần mẹ bệnh, không có tiền gửi về nên em làm liều lấy tiền của chúng và bị phát hiện. Sau đó, chúng nó lôi em lên tầng 8 tra tấn, rồi gọi video cho gia đình em để ép gia đình em gửi 360 triệu đồng qua để chuộc. Gia đình em rất lo lắng, sợ chúng đưa em qua Thái Lan mổ lấy nội tạng bán để thu hồi vốn”, H. kể mà chưa hết hoảng sợ.

Lên kế hoạch thoát khỏi “địa ngục trần gian”

Là người lên kế hoạch cho cuộc đào tẩu giải thoát hơn 40 con người, anh N.Đ.H (29 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) cho biết, khi thấy bọn bảo vệ người Trung Quốc đưa L.V.H lên tầng 8 gần 2 tuần, lúc L.V.H được thả xuống thì máu me đầy người nên anh em rất sợ, rồi tối nào mọi người cũng gọi nhau lại họp bàn bạc.

“Trong hơn 4 tháng làm ở đó, hằng ngày tôi quan sát và để ý rất nhiều thứ. Trong đó, tôi thấy thời gian bảo vệ giao ca thì rất ít người và họ đi ra đi vào không khoá cổng lại nên anh em quyết định, giờ mình đi làm cũng là giờ bảo vệ giao ca là thời cơ để hành động.

Cuối cùng, trong vòng 2 ngày, anh em bàn tính với nhau đến mấy giờ ngày đó thì tập trung, mấy giờ ùa ra cổng; nhóm nào chạy trước, chạy sau... chỉ cần nhảy được xuống sông là coi như có đường sống”, anh N.Đ.H nói.

Tiếp lời, L.V.H cho biết, trước đó, khổ quá em cũng từng có ý nghĩ bỏ trốn nhưng đi một mình lỡ bị bắt lại thì bọn chúng đánh chết. Tuy nhiên, sau khi L.V.H bị đánh đập 2 tuần thì thanh niên này quyết tâm, dứt khoát phải về bằng được.

“Thông thường có 2 đường để đi làm. Bọn em hay đi đường cổng chính nên bọn bảo vệ quen mặt rồi nên nó không có cảnh giác, thấy sơ hở là bọn em xông ra. Lúc đó nước chảy rất xiết, cuốn rất mạnh, dù bơi giỏi nhưng em đuối sắp chết luôn. Vừa nhảy xuống là em hô hoán, kêu cứu. Chỉ cần chậm 5 giây thôi, nếu bọn em không kiên quyết phá vòng vây thì nó chốt cửa lại không biết giờ ra sao”, L.V.H kể.

Khi hành động, tất cả mọi người hầu như không ai mang theo gì cả, tiền bạc cũng không có; chỉ có chiếc điện thoại được gói kỹ trong túi nilon để không bị ướt, nếu may mắn sang được bờ thì gọi về báo cho gia đình.

Cứ vậy sáng 18/8, một người dẫn đầu là cả đoàn đi theo, liều mạng nhảy xuống sông để về Việt Nam. Anh N.Đ.H xúc động kể, về tới Việt Nam, ai cũng cảm giác như được sống lại lần nữa.

“Qua giây phút sinh tử lần này, tôi khuyên các anh chị em, nhất là những người ở vùng quê như tôi, nếu có thất nghiệp ở quê thì cũng không nên lên mạng tìm việc. Vì trên mạng xã hội rất nhiều bài không biết ai thật giả. Bây giờ tôi không tin ai trên mạng nữa; ai có cho tiền tôi cũng không dám sang đó lần 2”.

Chiều 23/8, trả lời báo chí, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết, qua điều tra vụ 40 người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia, đến nay đơn vị đã xác định được 4 đường dây mua bán người ở nhiều tỉnh, thành. “Có tình trạng người lao động Việt Nam bị bán từ casino này sang casino khác. Đây là dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Chúng tôi đã làm rõ và phát hiện 4 đường dây mua bán người ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Chúng câu móc với các đối tượng Campuchia để thực hiện hành vi mua bán người”, Đại tá Đinh Văn Nơi thông tin.

Công an tỉnh An Giang đã báo cáo vụ việc với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, nhằm phối hợp công an các tỉnh thành có đường dây mua bán người để tiếp nhận tin báo và xử lý dứt điểm.

Tỉnh Kandal (Campuchia) giáp ranh với nước ta hiện có 7 casino hoạt động rất mạnh, sử dụng nhiều lao động Việt Nam và các nước khác.

Công an tỉnh Kandal đang phối hợp rất chặt chẽ với Công an tỉnh An Giang. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, rà soát lại tất cả các công dân không có giấy tờ hợp pháp để trao trả cho Đại sứ quán và đưa người về trong thời gian tới. Sắp tới, lực lượng sẽ tiếp tục mở rộng điều tra và sẽ bắt tất cả những đối tượng trong các đường dây một cách quyết liệt.

Phía Campuchia cũng phối hợp tích cực để làm rõ việc mua bán người và hành vi ép người lao động Việt Nam làm quá giờ, không trả lương, có dấu hiệu tra tấn người Việt Nam, đảm bảo quyền bảo hộ công dân Việt Nam.

Chiều 23/8, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang quyết định xử phạt hành chính 38 trong số 40 người tháo chạy từ casino ở Campuchia về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh”. Trong đó, 34 người (trên 18 tuổi) bị xử phạt 4 triệu đồng/người, 4 người (từ 16 đến dưới 18 tuổi) bị xử phạt 2 triệu đồng. Hai trường hợp không bị xử phạt là người dưới 16 tuổi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm