Ngày 16/10, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023.
Theo đó, thu nhập lãi thuần kỳ này đạt 8.837 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 3.117 tỷ đồng và 2.427 tỷ đồng, giảm 31%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VPBank đạt 27.133 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế cùng giảm 58%, xuống 8.279 tỷ đồng và 6.530 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 3/2023, tổng tài sản VPBank đạt 780.213 tỷ đồng, 23,6% so với đầu năm (tăng gần 150 nghìn tỷ đồng). Cho vay khách hàng đạt 521.566 tỷ đồng và tiền gửi của khách hàng là 421.472 tỷ đồng, tăng 19% và 39%
VPBank cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ trong quý 3 tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng tại ngân hàng đang cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành 6,9% tới cuối tháng 9. Đáng chú ý, tín dụng trong quý 3 đã tăng 8% so với quý liền trước, phân bổ tương đối đồng đều vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…, với khối chiến lược Khách hàng cá nhân (KHCN) và SME đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng.
Dư nợ tín dụng của khối KHCN, trong đó, ghi nhận tăng tưởng 19% so với đầu năm đạt hơn 230 nghìn tỷ đồng, nhờ chiến lược đa phân khúc đón đầu xu hướng hồi phục của nền kinh tế trong các tháng cuối năm 2023. Số liệu thống kê trong quý 3 đã cho thấy các dấu hiệu khởi sắc với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều thanh khoản, huy động từ khách hàng tại ngân hàng mẹ trong quý 3 tiếp nối nhịp tăng ổn định từ các quý trước, bỏ xa mức trung bình ngành 5,9% để chạm mức tăng gần 35% so với đầu năm. Trong đó, riêng khối KHCN tăng trưởng ấn tượng 60% so với đầu năm, nhờ chiến lược thu hút khách hàng bài bản và chuyên biệt.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – nguồn vốn chi phí rẻ của ngân hàng, đạt mức tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA lên mức 17% trong cơ cấu nguồn vốn huy động của VPBank, giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn.
Về FE Credit, VPBank cho biết, công ty tài chính này qua giai đoạn đầu tái cơ cấu đã dần tìm lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có từ trước đại dịch. FE Credit đã bắt đầu ghi nhận các khoản lỗ giảm dần và lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý 3.