Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Chứng khoán VNDirect kỳ vọng ngân hàng mẹ VPBank sẽ có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm 2022, ước khoảng 23% nhờ tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao (12,7%) và tỷ lệ LDR thấp (70,8%) vào cuối quý II.
Bên cạnh đó, nếu phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược thành công sẽ giúp tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng lên hơn 17% (theo ước tính của VNDirect), điều này sẽ giúp ngân hàng tiếp tục duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong những năm tiếp theo.
Tại buổi gặp gỡ với chuyên viên phân tích vào ngày 28/7/2022, ngân hàng cho biết sẽ đặt mục tiêu hoàn tất thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược trong năm nay.
Trong quý II, thu nhập lãi (NII) hợp nhất của VPBank đã tăng 13,4% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ cho vay tăng trưởng 26,3% và NIM giảm nhẹ. Thu nhập ngoài lãi (non-II) gần như không đổi nhờ thu nhập từ phí tăng lên bù trừ với phần giảm từ hoạt động đầu tư chứng khoán.
Chi phí hoạt động tăng 25,1% do tăng trưởng thu nhập trung bình và số lượng nhân viên, kéo tỷ lệ CIR lên 26,5%, cao hơn mức 16,4% trong quý I/2022 và 23,4% trong quý II/2021. Chi phí dự phòng tăng mạnh 33% so với cùng kỳ, nâng chi phí tín dụng lên 5,8% cao hơn mức 5,1% trong quý II/2021.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 15.323 tỷ đồng, tăng 67,9% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ khoản phí độc quyền ghi nhận trong quý I với giá trị ước tính là 5.500 tỷ đồng. Cho vay tăng trưởng 10,5% so với đầu năm trong khi NIM giảm 1,45 điểm % về 7,6%.
Duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận cao
Theo VNDirect, VPBank sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, ước tăng 42,6% trong năm 2022, tăng 22,2% trong năm 2023 và tăng 21,5% trong năm 2024 (đã loại đi khoản phí độc quyền bảo hiểm).
Cụ thể, việc tập trung vào những lĩnh vực cho vay phân khúc rủi ro cao hơn giúp ngân hàng mẹ duy trì tỷ suất sinh lời trên tài sản sinh lãi cao (9% trong quý II). Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục được cải thiện lên mức 19,2% nhờ vào việc ngân hàng nâng cao nền tảng số hóa.
NIM ngân hàng mẹ đạt 5,42% trong quý II, cao hơn mức 5,08% trong quý IV/2021 nhưng vẫn thấp hơn mức 5,9% trong quý II/2021.
Chuyên gia của VNDirect dự báo tỷ suất sinh lời trên tài sản sinh lãi cả năm 2022 sẽ giảm từ 0,2 - 0,5 điểm % với cùng kỳ. Mặc dù ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng ngân hàng có thể cải thiện một phần giảm nhờ việc tiếp tục mở rộng cho vay bán lẻ và SME.
Về mặt lãi suất huy động, chúng tôi cho rằng tốc độ tăng lãi suất tiền gửi có thể chậm lại trong quý III/2022 do nhu cầu vốn thấp khi ngân hàng đã gần chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất tiền gửi sẽ tăng tốc trong quý IV khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) sẽ nới room tín dụng.
Cùng với đó, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng mẹ ước giảm 21% so với cùng kỳ về 2.309 tỷ đồng do thu nhập từ hoạt động chứng khoán giảm 74,9% bù trừ một phần với sự tăng của thu nhập khác (tăng 378% và thu nhập từ phí (tăng 41,8%). Thu nhập từ phí tăng chủ yếu nhờ thu nhập từ hoạt động bảo hiểm tăng 37% và hoạt động dịch vụ tăng 116% so với cùng kỳ.
VNDirect cho rằng việc VPBank triển khai hai hợp đồng bảo hiểm: bảo hiểm nhân thọ với AIA và phi nhân thọ với OPES sẽ giúp thu nhập từ bảo hiểm sẽ tăng lên nhiều kể từ năm 2022. Do đó, các chuyên gia nâng dự báo thu nhập ngoài lãi tăng 55,1% so với dự báo trước đó.
Bên cạnh sự gia tăng nợ xấu, báo cáo cũng ghi nhận một điểm sáng là khoảng 97% khách hàng được tái cơ cấu nợ vay đã trả nợ từ quý I/2022 và nợ tái cấu trúc đã giảm 22,7% so với quý trước, từ mức 12.700 tỷ về mức 9.800 tỷ vào cuối quý II.