Đáng lưu ý, chậm chuyến bay do thời tiết rất thấp, chỉ chiếm 2,3%; trong khi khai thác thương mại chiếm chủ yếu với 77,7% số chuyến bay bị delay là do máy bay về muộn và 12,1% chuyến chậm do hãng hàng không.
Tình trạng chuyến bay bị chậm, hủy vào nhiều thời điểm trong tháng 7 đã tăng cao đột biến, gây bức xúc trong dư luận. Đánh giá nguyên nhân, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong tháng 7/2022, có tới hơn 10,5 triệu khách bay nội địa, tăng 40,3% so với tháng 7/2019 (cùng cao điểm hè nhưng trước dịch Covid-19) và tăng gần 6% so với tháng trước.
Trong khi đó, điều kiện hạ tầng tại các sân bay hầu như không được bổ sung, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan từ hãng hàng không khi đánh giá không kịp thời nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến…
Cục Hàng không Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay. Theo đó, yêu cầu Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam tăng cường năng lực khai thác của các sân bay, nhất là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng bố trí những chuyến bay đêm; bảo đảm bố trí máy bay, trang thiết bị, vật tư dự phòng để kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa máy bay; thực hiện nghiêm các chuyến bay theo đúng slot (lượt cất, hạ cánh theo giờ) đã được cấp; luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách.
Vietnam Airlines cho biết, các hãng đang phải đáp ứng nhu cầu đi lại nội địa phục hồi nhanh, tổng thị trường vượt cả cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, các chuyến bay thường bị kẹt không lưu ở trên không, mặt đất, do không đủ slot cất, hạ cánh, nhất là vào khung giờ cao điểm và ảnh hưởng thời tiết xấu tại sân bay.
Điều này dẫn tới chuyến bay phải lùi thời gian khởi hành hoặc phải hủy, bay bù vào hôm sau. Những chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines từ các sân bay nước ngoài tại châu Âu và Úc cũng bị chậm do thiếu nhân lực phục vụ tại sân bay. Trong khi đó, đặc thù của hàng không là một chuyến bay chậm sẽ kéo theo dây chuyền một loạt chuyến bay khác có thể chậm theo.
Vietnam Airlines đang thực hiện các giải pháp như xây dựng phương án rút ngắn thời gian tính từ lúc máy bay hạ cánh trả khách cho tới khi chuẩn bị sẵn sàng để đón chuyến tiếp theo; tập trung thực hiện khâu kỹ thuật, bảo dưỡng máy bay vào ban đêm; hạn chế dừng máy bay vào ngày khai thác, trừ các trường hợp bắt buộc; xếp hành trình bay phi công, tiếp viên hạn chế phải đổi máy bay tại các sân bay địa phương...