Kể từ sau Tết nguyên đán tới nay, cổ phiếu Vingroup liên tục giảm giá. Từ mức giá 97.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 1/2022, VIC chốt phiên giao dịch cuối tháng 2/2022 tại giá 77.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm đúng 20 giá (-20,6%).
Theo đó, giá trị vốn hóa của Tập đoàn Vingroup trên sàn chứng khoán đã giảm 294.000 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 8/2020.
Trước kia, Vingroup từng là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường. Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm 2022, giá trị của Vietcombank tăng mạnh đã đẩy Vingroup xuống vị trí thứ 2. Sau đó, cú giảm giá tháng 2 đã khiến Vingroup tụt xuống vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, đứng dưới Vinhomes.
'Downtrend' của cổ phiếu VIC diễn ra sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 4/2021 ghi nhận khoản lỗ 9.249 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến Vingroup thua lỗ được đánh giá là do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tài trợ của Tập đoàn Vingroup. Cụ thể, trong năm 2021, Vingroup đã tài trợ 6.100 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống Covid-19 và các hoạt động tài trợ khác. Tính đến nay, Vingroup đã chi hơn 9.400 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ phòng chống Covid.
Đồng thời, Tập đoàn cũng quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện. Quyết định này sẽ giúp Vingroup hiện thực hóa nhanh hơn chiến lược trở thành hãng xe toàn cầu, thâm nhập sâu vào các thị trường quốc tế bởi trong tương lai, xe điện sẽ dần thay thế xe chạy bằng động cơ đốt trong. Điều này dẫn đến trong kỳ, Vingroup ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.
Lũy kế năm 2021, Vingroup lỗ sau thuế là 7.523 tỷ đồng. Theo Vingroup, nếu không tính những khoản chi phí phát sinh ngoài kế hoạch đầu năm như kể trên, Vingroup ghi nhận lỗ sau thuế 2.638 tỷ đồng trong quý 4 năm 2021 và lợi nhuận sau thuế 4.373 tỷ đồng trong năm 2021, tương đương 97% kế hoạch đầu năm.
Vừa qua, Vingroup đã điều chỉnh định hướng Tập đoàn và xác định lại ba nhóm hoạt động trọng tâm là Công nghệ – Công nghiệp, Thương mại dịch vụ, và Thiện nguyện xã hội – gồm các đơn vị hoạt động phi lợi nhuận và các Quỹ hỗ trợ của Tập đoàn.
Vingroup đã quyết định sẽ giảm đóng góp cho Quỹ Thiện Tâm từ 90% xuống 10%. Phần còn lại sẽ được Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, gia đình và các lãnh đạo cao cấp tại Vingroup chủ động đóng góp.