Gần đây, trên mạng xôn xao đoạn clip ghi lại cảnh một công ty bất động sản chốt cọc đất "vui như hội". Trong đoạn clip, lãnh đạo và nhân viên công ty bất động sản liên tục chạy như cuôch đua marathon, chốt cọc các nền đất trong không khí rất khẩn trương. Sức mua nóng đến nỗi có người phải nhắc khéo: Coi chừng mấy anh cọc trùng!
Trên thực tế, đã có khách "mắc bẫy" bởi những chiêu trò do phía môi giới giăng ra. Mới đây, trên Facebook cá nhân, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh đã chia sẻ câu chuyện được một người dùng Facebook trao đổi với ông.
Trong câu chuyện này, vị khách cho biết ngày 13/1, cô được một môi giới bất động sản chủ động tiếp cận, chào mời mua nhà. Sẵn đang có nhu cầu, chưa kể phía môi giới hứa hẹn nhiều quyền lợi hấp dẫn nên vị khách đồng ý gặp trực tiếp.
Đến 16/1, hai bên gặp nhau tại sự kiện do phía công ty bất động sản tổ chức. Lúc này, phía công ty liên tục quảng cáo về một dự án giá thấp, chi phí đầu tư chỉ 400-500 triệu đồng và thông tin dự án không được tiết lộ.
Bước tiếp theo, những vị khách như cô cùng lên xe buýt để đi xem đất. Dọc hành trình, các môi giới liên tục tung nhiều chiêu trò để chào mời khách hàng.
Khi xe buýt dừng lại tại một nhà hàng, màn tranh nhau chốt sales như trong clip đã diễn ra. Choáng ngợp trước không khí nhộn nhịp, hối hả này, vị khách thừa nhận đã bị "sự nhẹ dạ của mình lấn lướt". Chưa kể phía môi giới hứa sẽ giúp cô "lướt sóng", bán lại ngay sau Tết sẽ lãi 100-200 triệu đồng.
Kết quả là vị khách bỏ ra 40 triệu đồng để đặt cọc 1 lô đất, sau đó trả góp đợt 1 là 404 triệu đồng. Tuy nhiên tài chính có hạn nên vị khách không thể đóng tiền trả góp đợt 2, khi liên hệ thì bên sales né tránh lời hứa ban đầu. Phía công ty bất động sản không cho phép cô rút vốn, và yêu cầu thực hiện theo các điều khoản trong hợp đồng.
Câu chuyện được chuyên gia Lâm Minh Chánh chia sẻ lại đã nhận về nhiều sự quan tâm từ người dùng Facebook. Đa phần cho rằng đây là chiêu trò của hầu hết các sàn môi giới bất động sản hiện nay. Và khi ở trong tình huống bị bao vây, thật giả lẫn lộn, thì người sáng suốt đến đâu cũng sẽ mắc bẫy.
"Môi giới thời bây giờ họ chỉ vì hoa hồng bất chấp giở chiêu trò. Người thật sự có tâm với nghề và kiếm hoa hồng chân chính trong thời điểm hiện nay còn rất ít".
Tuy nhiên, một ý kiến khác cho rằng trong câu chuyện này, cần xét đến tính pháp lý của dự án.
1. Dự án đầy đủ pháp lí; chủ đầu tư được phép bán, hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên thì bên công ty bất động sản sẽ không trả lại tiền cho khách,
2. Dự án chưa đủ điều kiện mở bán, nhà đầu tư huy động vốn trái phép, vị khách có quyền kiện ra pháp luật và như vậy, phía công ty bất động sản có thể thương lượng trả lại tiền cho khách.
Cũng có độc giả thẳng thắn chỉ ra rằng lòng tham đi kèm vốn sống ít ỏi đã khiến vị khách lâm vào tình cảnh này.
"Bạn này nói cũng đáng thương. Ok. 44 triệu cọc xuống ngay tại dự án nào đó thì có thể bị ảnh hưởng bởi sales làm trò, nhưng còn hơn 400 triệu nữa thì xuống tiền lúc tỉnh táo rồi chứ?? Vẫn là vốn sống ít và lòng tham át mất lý trí thôi. Sorry".
Trên thực tế, chiêu trò tạo hiệu ứng tâm lý, hét giá, thổi giá, tạo ra sự khan hiếm của đất nền,… được nhiều môi giới bất lương áp dụng rất thuần thục. Các công ty bất động sản cũng sẽ cho 2-3 môi giới kèm một khách, hoặc tạo thêm các khách hàng chim mồi để liên tục hối khách hàng xuống tiền thật nhanh.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc sử dụng chiêu trò trong bất động sản là rất phản cảm, làm mất đi giá trị của những người môi giới bất động sản chuyên nghiệp, chân chính. Tuy nhiên, chính khách hàng, nhà đầu tư mới là những người quyết định được các chiêu trò có đất sống hay không. Bởi nếu khách hàng tỉnh táo, tuyệt đối không tham gia vào các buổi mua bán đất nền kiểu "chợ trời" thì rất khó để sập bẫy các môi giới bất động sản.