Tài chính

Với hình ảnh mọt sách giản dị, thiên tài tiền số đã lừa giới đầu tư thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước sự sụp đổ thảm khốc của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, một đối tác của sàn giao dịch này đã phát biểu  “Sam Bankman-Fried là con quỷ trong trang phục của kẻ mọt sách”. Chỉ trong 1 tuần kể từ khi thừa nhận gặp vấn đề thanh khoản, FTX đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Thảm họa đã gây ra một cơn sóng thần càn quét qua thị trường tiền điện tử, dẫn đến sự sụp đổ của hơn 100 công ty liên kết, nền tảng cho vay và sàn giao dịch từng được coi là cơ sở hạ tầng không thể lay chuyển trong ngành.

Mới chỉ không lâu trước đó, Bankman-Fried vẫn còn được tôn vinh như một tượng đài bởi những người hâm mộ tiền số. Trong đó, có cả những nhà đầu tư mạo hiểm tên tuổi ở thung lũng Silicon, những người đã không tiếc lời khen ngợi ngay cả khi họ không chắc chắn rằng FTX kinh doanh hợp pháp. Trước 30 tuổi, Bankman-Fried đã biến mình thành một trong những người giàu nhất thế giới bằng cách xây dựng sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai, FTX, cũng như chi nhánh tại Mỹ, FTX.US, đồng thời điều hành Alameda Research, một công ty có vẻ đang làm ăn rất phát đạt.

Với  hình ảnh mọt sách giản dị, thiên tài tiền số đã lừa giới đầu tư thế nào? - 1

Trước khi FTX sụp đổ, Sam Bankman-Fried được xem như một thiên tài giản dị, thường xuyên làm từ thiện

Sự thần bí của Bankman-Fried được củng cố bởi việc tỷ phú ăn mặc giản dị này thường xuyên truyền đạt những triết lý như lòng vị tha, thường xuyên quyên góp từ thiện. Hơn cả  Bankman-Fried còn vận động để hệ sinh thái tiền số được quản lý chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên bức màn vén lên cho thấy Sam Bankman-Fried hơn ai hết hiểu rõ và biết cách lợi dụng những lỗ hổng và sự mập mờ trên thị trường tiền ảo đến thế thế nào. Đứng trước quốc hội Mỹ, Bankman-Fried kêu gọi thị trường cần “công khai và minh bạch”. Tuy nhiên ở phía sau, cũng chính Bankman-Fried chỉ chia sẻ những thông tin quan trọng với một số ít người bạn bí mật. Trong khi đó, gần như toàn bộ cán bộ cấp cao của FTX cũng như các nhà đầu tư hoàn toàn không biết gì về tình hình tài chính của công ty. Giờ đây, khi FTX sụp đổ, từ khách hàng đến nhân viên của công ty đều mất trắng mà vẫn không biết chuyện gì đang xảy ra.

Tiêu tiền không tồn tại

Chỉ trong chưa đầy 2 năm, FTX đã kêu gọi được 2 tỷ USD đầu tư. Vài tháng sau đó, công ty được định giá 32 tỷ USD. Trở thành tỷ phú, Bankman-Fried liên tục hào phóng quyên góp cả trăm triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận, các hoạt động thể thao và cả chương trình tranh cử của các chính trị gia. Phần nhiều trong số đó ở dạng tiền số. Một nhân viên của FTX cho biết Bankman-Fried tỏ ra rất hào phóng. “Nếu ai đó có ý tưởng tốt, anh ta sẵn sàng bỏ ra 5 triệu USD. Tuy nhiên số tiền này ở dưới dạng tiền số FTT. Anh ta dùng tiền không có thật để chi tiêu. Điều này thật tồi tệ.”

Vào tháng 9, FTX thông báo mua tài sản của Voyager với giá 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên đằng sau con số khổng lồ này, số tiền mặt thực sự được chi ra chỉ là 50 triệu USD. Mới đây nhất Voyager đã phải thông báo mở lại đấu thầu. CEO của công ty cho biết nếu thoả thuận này sớm được hoàn tất thì các khách hàng của Voyager đã mất trắng tài sản.

Ngoài ra không thể không nhắc tới một công ty khác của Bankman-Fried là Alameda Research. Công ty được điều hành bởi nhóm bạn tuổi còn rất trẻ của Bankman-Fried. Tháng 4 năm nay, khi được phóng viên Bloomberg hỏi về chiến lược tạo ra lợi nhuận khổng lồ tại công ty này, Bankman-Fried đã mô tả cách tạo ra lợi nhuận tiền số thông qua một chiếc hộp vô hình về cơ bản là không có hoạt động gì. Bankman-Fried thậm chí còn không phản đối khi cho rằng đây tương tự như mô hình đa cấp.

Với  hình ảnh mọt sách giản dị, thiên tài tiền số đã lừa giới đầu tư thế nào? - 2

Các đồng giám đốc tại Alamada Research

Chỉ vài tuần trước khi làm rung chuyển thị trường tiền số, 4 tỷ USD tiền ảo đã được chuyển từ sàn FTX sang một ví điện tử duy nhất chỉ trong một ngày. Đáp lại các nghi vấn khi đó, Bankman-Fried cho biết đó chỉ là khoản chuyển qua lại giữa các ví điện tử của FTX, những đợt chuyển tiền tiếp theo sẽ còn tiếp tục và sẽ không có ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên thực tế khác xa câu trả lời này. 4 tỷ USD là khoản tiền số chuyển một lần lớn nhất lịch sử được ghi nhận bởi Coin Metrics. Bên nhận tiền không thuộc quản lý của FTX mà là của Alameda Research. Và theo Coin Metrics, Bankman-Fried đã nói dối.

Alameda Research đã liên tục chiếm dụng các khoản tiền gửi của khách hàng FTX để đầu tư vào các hạng mục nhiều rủi ro. Hồ sơ của công ty này cho thấy Alameda có hơn 100.000 chủ nợ, các khoản nợ có tổng giá trị trong khoảng từ 10 đến 50 tỷ USD. Theo Reuters, vẫn còn khoảng 1 đến 2 tỷ USD của khách hàng FTX bị chuyển sang cho Alameda và bị mất tích, chưa thể truy dấu.

Sự việc tiếp diễn khi nhiều khách hàng chia sẻ trên mạng xã hội là tiền số trên ví điện tử của họ tại FTX bỗng nhiên biến mất. Luật sư của FTX cho biết một số trường hợp tiền bị đóng băng do quá trình giải quyết phá sản, tuy nhiên nhiều vụ mất tiền khác thì vẫn chưa tìm được nguyên nhân.

Theo thống kê, nhiều tên tuổi lớn như Deloitte, AWS, Stripe… đã trở thành đối tác hoặc cố vấn cho FTX. Cùng với đó, khoảng 20 tỷ phú đã bị thiệt hại về tài sản do bộ đôi sáng lập FTX Sam Bankman-Fried và Gary Wang.

Đầu tuần trước, Bankman-Fried đã đăng Twitter “Tất cả đều ổn. FTX vẫn ổn” tuy nhiên, hiện nay dòng tweet này đã biến mất.

Chia sẻ
Theo Hồng Hạnh (Theo Forbes) (Arttimes)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm