7h sáng, gửi lại con trai cho mẹ, anh Nguyễn Đức Chinh và chị Nguyễn Thị Duyên lên chiếc xe máy xuống trang trại rau cách nhà 15km. Đã 14 ngày anh chị không thể xuống trang trại vì nhiễm Covid-19 phải cách ly.
Lo lắng cho số rau ở vườn, trời vừa bảnh sáng anh chị đã lên xe đi. 7h30 có mặt tại vườn, anh Chinh đi kiểm tra số cà chua được người làm báo đang chết dần do mưa axit, trong khi chị Duyên chạy ra ruộng cà rốt nhổ cỏ cho cây.
Nhìn 6 luống cà chua bị chết do mưa axit, anh Chính khẽ thở dài. "Chỉ còn nửa tháng nữa số cà chua này sẽ được mang đi bán, nhưng giờ coi như mất trắng", anh Chinh cho biết đây không phải lần đầu rau trong trang trại chết, số cà chua sẽ được mang đi ủ làm phân bón cho đất trong vụ tới
Anh Chinh và vợ mỗi ngày có hơn 10 tiếng chăm bón vườn rau sạch.
Từ bỏ bằng cấp về làm nông dân
Vừa nhổ cỏ chen giữa những bụi cà rốt, chị Duyên vừa kể: Mình cùng chồng là nghiên cứu viên tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2014 hai người cùng nhau sang Australia học thạc sĩ, năm 2015 vợ chồng chị trở về nước tiếp tục công việc tại Viện.
Năm 2017, anh Chinh được học bổng sang Nhật làm tiến sĩ ngành sinh học, chị Duyên đem con sang cùng chồng. Tại Nhật, anh Chinh đọc được cuốn sách về ngành nông nghiệp tự nhiên. Người đàn ông 40 tuổi vô cùng tâm đắc, nung nấu ý định đưa những gì trong sách vào thực tiễn, giúp cho nông nghiệp Việt Nam có một nguồn rau sạch tốt cho sức khỏe.
"Ngày nào cũng thấy anh ấy ghi chép, lên ý tưởng trang trại rau hữu cơ", chị Duyên nói về những ngày ở Nhật.
Tháng 9/2019, vợ chồng anh Chinh về Việt Nam. Từ mong muốn của chồng, anh chị bắt tay vào tìm đất xây trang trại trong mơ. Anh Chinh đi khắp các tỉnh phía Bắc, từ Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang rồi về gần hơn là Ba Vì…, nhưng không tìm được nơi thích hợp. Qua giới thiệu của đồng nghiệp cùng cơ quan, vợ chồng chị tìm và thuê được phần ruộng bỏ hoang của 35 hộ, thuộc xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ.
"Mảnh đất có diện tích khoảng 2 ha", anh Chinh cho biết để có được trang trại rau, anh chị rủ thêm 2 đồng nghiệp về làm hỗ trợ.
Năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cả gia đình tiến sĩ trẻ sống trong chiếc container rộng 9m2 ở cạnh những ruộng rau.
Để duy trì kinh tế, hàng ngày chị Duyên và anh Chinh rời nhà từ 4h sáng, đến trang trại. Vợ chồng làm đến 7h30 thì trở về ăn sáng rồi đến cơ quan. Tan làm, 16h30 anh chị lại đèo nhau về trang trại tiếp tục quá trình gây dựng vườn rau hữu cơ của mình. Cuối tuần, 4 người lại quần quật 12-14 tiếng mỗi ngày, làm không nghỉ ngơi.
Vốn không nhiều, việc gì có thể tự làm vợ chồng chị Duyên cố làm hết. Anh chị đào giếng, xây bể lọc, tường bao, cuốc đất tạo rãnh, thuê người kéo điện, mua một chiếc vỏ xe container cũ dựng thành nhà ở trang trại. Những tấm lưới, nhà kính phục vụ việc ươm mầm được anh Chinh thuê, hoặc xin lại của bạn bè khi họ hoàn thành xong nghiên cứu không cần dùng nữa.
Vất vả cả tháng trời, trạng trại của vợ chồng chị Duyên cũng hoàn thành. Vẫn còn việc ở cơ quan, anh chị đi quanh khu trang trại hỏi thăm thuê được 4 người lớn tuổi trong xã về làm.
"Lớp trẻ thì mình không thuê được, họ không còn thích làm nông vất vả ngoài đồng cả ngày, các cô tuy có tuổi nhưng lại nhiều kinh nghiệm", chị Duyên chia sẻ, sau 2 năm làm việc nhân công chị thuê có thể tự gieo giống, bón phân, trồng rau mà không cần hướng dẫn.
Tháng 8/2020, chị Duyên xin nghỉ việc về làm nông toàn thời gian.
Thời gian đầu làm nông chị Duyên đen nhẻm, sụt 5 kg vì cả ngày đội nắng, cuốc đất ngoài đồng. Vất vả là thế nhưng suốt một năm đầu tháng nào trang trại cũng lỗ.
"Nhiều lúc mình nghi ngờ khả năng của bản thân. Một năm đầu mình không có tiền trả lương cho 2 bạn làm cùng, tiền chi trả cho nhân công cũng lấy từ lương của hai vợ chồng", anh Chinh tâm sự.
Bao nhiêu vốn liếng tích cóp đều bỏ vào đây, anh Chinh, chị Duyên không cam tâm. Tháng 8/2020, chị Duyên quyết định xin nghỉ việc cơ quan, toàn tâm toàn ý về trồng rau.
"Tôi quyết định nghỉ vì trang trại rau là tất cả tâm huyết của vợ chồng, không thể để nó đổ vỡ", chị Duyên tâm sự.
Quyết định nghỉ việc, chị Duyên chịu nhiều áp lực, bố mẹ 2 bên thông cảm nhưng họ hàng, bạn bè người lời ra tiếng vào sau lưng nói: "Tốn tiền đi học rồi về trồng rau". Thời gian đầu khi nghe những lời nói đấy, cùng khó khăn khi rau liên tiếp bị sâu ăn, mưa hỏng chị Duyên chỉ biết trốn chồng khóc.
"Anh Chinh biết vợ chịu nhiều áp lực nên tháng 6/2021 cũng quyết định nghỉ việc về phụ vợ", chị Duyên chia sẻ.
Chịu nhiều áp lực khi nghỉ việc, dù được bố mẹ 2 bên thông cảm nhưng họ hàng, bạn bè người lời ra tiếng vào "tốn tiền đi học rồi về trồng rau". Thời gian đầu khi nghe những lời đàm tiếu, cùng khó khăn khi rau liên tiếp bị sâu ăn, mưa hỏng, tôi chỉ biết trốn chồng con để khóc.
Tháng 6/2021, anh Chinh tiếp bước vợ nghỉ việc về trồng rau, nhiều ngày, anh thường dậy sớm từ 4h sáng để chăm bón cho trang trại của mình.
Mất trắng vì mưa lụt
Những tháng đầu làm nông dân toàn thời gian, lượng khách của Duyên tăng gấp đôi, bắt đầu hòa vốn, họ thuê thêm được 4 người làm. Công việc của anh chị nhẹ nhàng hơn, có thể dành thời gian cho việc nghiên cứu giống cây, cải tạo đất, hoặc các cách ứng phó khi gặp mưa lụt để cho năng suất tốt hơn.
Phấn khởi chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh, trang trại của anh Chinh nằm trong vùng phong tỏa vì xã có nhiều F0, nhân công không thể đi làm vì giãn cách xã hội. Anh chị đưa con xuống trang trại ở, gia đình 3 người sống trong nhà container 9m2 giữa cánh đồng. Mùa hè nắng nóng hầm hập, mưa thì xối xả, cả đêm vợ chồng, con cái mất ngủ bởi tiếng ồn dội mạnh từ trên nóc xuống.
Thời điểm giãn cách xã hội nhà chị Duyên ở lại trang trại 3 tháng. Không thuê được người làm, mỗi ngày vợ chồng chị phải tự nhổ cỏ, bón phân, ươm giống, trồng rau. Đến cả việc giao rau cho khách anh Chinh phải một mình làm hết.
Vì là rau trông hữu cơ, không phun thuốc hóa học nên bề ngoài sản phẩm không được đẹp, tuy nhiên rau tại trang trại của anh chị ăn ngọt và không lo ảnh hưởng sức khỏe.
"Chúng tôi giao rau vào thứ 3, thứ 6 hàng tuần, có ngày phải đi cả 100 km khắp Hà Nội để đưa rau giữ mối làm ăn", anh Chinh cho hay.
Từ một tiến sĩ với mức lương nhiều người mong muốn ở viện nghiên cứu, được nhiều công ty ngỏ ý mời về làm quản lý. Anh Chinh từ bỏ tất cả, trở thành một ông nông dân râu tóc bù xù, quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất.
3 tháng trôi qua, Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách, những tưởng cuộc sống trở lại bình thường với đôi vợ chồng tiến sĩ, nhưng chưa kịp mừng thì tháng tiếp theo, trời mưa không ngớt.
"Mưa cả ngày cả đêm, tạnh một chút lại mưa", chị Duyên nhớ cả trang trại hồi đấy rau ngập trong nước. Vợ chồng chị làm đủ cách để cứu rau, từ sáng tới khuya cứ mưa lớn lại ra đào rãnh thoát nước. Nhưng mưa không một ngày mà dừng, kéo dài cả tháng trời, bao công lao của anh chị đổ sông đổ bể, số rau hồi đấy mất trắng...
"Chúng tôi cả đêm không ngủ được, nên cứ ra khơi dòng cho nước chảy, nhưng sức mình không lại với sức trời được", anh Chinh kể lại.
Gian nan vất vả là thế nhưng vợ chồng chị Duyên chưa từng bỏ cuộc. Nước rút, thu bỏ phần rau bị dập nát, anh chị tiếp tục xới đất, bón phân, ươm giống, quyết "phục thù" vào vụ sau. May mắn thời tiết thuận lợi, cánh đồng rau của anh chị xanh mướt.
Từ một tiến sĩ với mức lương nhiều người mong muốn ở viện nghiên cứu, được nhiều công ty ngỏ ý mời về làm quản lý. Anh Chinh từ bỏ tất cả, trở thành một ông nông dân râu tóc bù xù, quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất.
Quy trình sản xuất 5 khôngVườn cà chua của anh Chinh gần ngày thu hoạch thì chết héo do mưa a xít.
Anh Chinh cho hay hiện tại anh chị có hơn 100 loại rau củ khác nhau được trồng hữu cơ. Rau trồng hữu cơ không thể đều tăm tắp, mười cây như một giống dùng thuốc hóa học. Tại trang trại anh Chinh thực hiện 5 không: không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng và giống biến đổi gen.
Mọi việc đều được làm bằng tay từ việc dọn cỏ, bắt sâu, có thời điểm chuột nhiều, không thể phun thuốc, anh chị nuôi một con mèo để đuổi chuột.
Anh chị xây một nhà ủ phân hữu cơ. Tất cả rau già, bị hư hỏng, cỏ sẽ được công nhân đưa vào đây tưới vi sinh vật ủ làm phân bón cho đất trong vụ tiếp theo.
Tám nhân công đều là người già yếu, bị khuyết tật không thể hàng ngày xách bình tưới rau. Anh Chinh làm hệ thống tưới bón nhỏ giọt tự động, giúp người làm tiết kiệm công sức. Để tiết kiệm chi phí anh Chinh lên mạng đặt mua vỏ ống từ Trung Quốc về, tự thiết kế dựa trên kinh nghiệm tích lũy được khi đi tu nghiệp ở Israel.
Ruộng rau xanh tốt của vợ chồng tiến sĩ trẻ.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, trang trại của anh chị được chứng nhận sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11041). Không chỉ cung cấp rau sạch ra thị trường, anh Chinh, chị Duyên còn tạo công ăn việc làm cho 7 lao động địa phương, trong đó có 2 người khuyết tật bị câm điếc. "Trước đây có 8 nhân công, nhưng một người vừa xin nghỉ vì chồng ốm nặng", chị Duyên cho biết.
Bà Nguyễn Thị Dần (60 tuổi) cho biết đã gắn bó với trang trại được 2 năm, với mức lương 4 triệu đồng/ tháng.
"Mỗi ngày chúng tôi làm 8 tiếng, chia làm 2 ca", bà Dần cho biết công việc ở đây không nhiều, chủ yếu dọn cỏ, phù hợp với tuổi tác của bà. Trong khi anh chị chủ rất nhiệt tình, quan tâm sức khỏe của người làm.