Các nhà quản lý quỹ đang né tránh thị trường chứng khoán Trung Quốc vì quốc gia này có mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Cùng với đó, họ lo ngại về những rủi ro phát sinh từ việc Bắc Kinh kiểm soát sự lây lan của Covid-19 quá nghiêm ngặt và chưa biết khi nào những cuộc trấn áp quy định với các doanh nghiệp sẽ kết thúc. Khi chứng khoán Trung Quốc giảm 75% so với đỉnh, các quỹ vẫn "ngó lơ".
Hầu hết các nhà đầu tư được Bloomberg phỏng vấn đều do dự với việc bắt đáy chứng khoán Trung Quốc, ngay cả khi định giá thị trường này đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ. Một số đang có kế hoạch giữ nguyên vị thế hiện tại, nhưng chỉ rất ít muốn tăng vị thế.
John Plassard - giám đốc của Mirabaud & Cie, cho biết: "Chúng tôi vẫn đang né tránh thị trường Trung Quốc. Ở đây có quá nhiều dấu hỏi." Mirabaud đã bán cổ phiếu Trung Quốc vào năm ngoái và hiện vẫn chưa quay trở lại với thị trường này.
Nasdaq Golden Dragon Index - theo dõi cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc lớn như Alibaba, Baidu và NetEase, đã giảm 11,7% ở phiên 14/3 và mất 29% trong 3 phiên gần đây, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2013. Hang Seng China Enterprises Index đóng cửa giảm 7,2% vào thứ Hai, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2008. Hang Sang Tech Index cũng mất 11%, ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi chỉ số này ra mắt vào tháng 7/2020, xóa sạch 2,1 nghìn tỷ USD vốn hoá sau 1 năm chạm đỉnh.
Biến động giá trong ngày của Hang Seng China Enterprises Index.
Sự sụt giảm này diễn ra sau khi giới chức Mỹ cho biết Nga đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ trong cuộc xung đột với Ukraine. Trung Quốc đã bác bỏ thông tin trên nhưng trader vẫn lo ngại rằng nếu phương Tây áp lệnh trừng phạt với Bắc Kinh, những vấn đề về chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu sẽ trở nên căng thẳng hơn nhiều.
Theo Jian Shi Cortesi - nhà quản lý quỹ đầu tư cổ phiếu Trung Quốc và châu Á tại GAM Investment, mối lo ngại về các lệnh trừng phạt với Nga đã tràn sang cả Trung Quốc, gây áp lực bán lên thị trường nước này. Bà nói, bước ngoặt sẽ chỉ diễn ra khi lực bán với các chứng chỉ lưu ký tại Mỹ "cạn kiệt" và căng thẳng Ukraine được giải quyết.
Trong khi đó, các nhà phân tích của JPMorgan hôm thứ Hai đã hạ xếp hạng 28 cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ và Hong Kong. Nguyên nhân là do sự thay đổi sẽ diễn ra khi nhà đầu tư đánh giá lại về rủi ro địa chính trị và mối lo ngại về rủi ro pháp lý.
Hơn nữa, nhà đầu tư còn hoang mang khi Trung Quốc phong tỏa trung tâm công nghệ Thâm Quyến và tỉnh Cát Lâm vì Covid-19 bùng phát.
Julien Lafargue - trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Barclays Private Bank, nhận định: "Các nhà đầu tư có thể cần một thời gian dài để bình tĩnh lại trước khi quay trở lại thị trường Trung Quốc. Với rất nhiều sự kiện đang diễn ra gây áp lực cho thị trường, không có gì ngạc nhiên khi chứng khoán nước này có diễn biến kém vượt trội so với nhiều quốc gia khác trên toàn cầu."
Diễn biến của Nasdaq Golden Dragon giảm 70% so với mức đỉnh ghi nhận năm 2021.
Nasdaq Golden Dragon hiếm khi giao dịch ở mức chiết khấu so với S&P 500. Được định giá ở mức 14 lần so với lợi nhuận dự phóng, chỉ số theo dõi cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đang giao dịch ở mức thấp nhất với S&P 500 kể từ năm 2008.
Đối với Peter Kisler - quản lý danh mục đầu tư tại Trium Capital, đây lại là thời điểm tốt để tăng vị thế đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Ông nói: "Chúng tôi đang nâng vị thế vì có vẻ như thời gian khó khăn sẽ qua đi. Tôi cho rằng, việc chứng khoán Nga ngừng giao dịch đã khiến nhiều người sợ hãi, họ lại cho rằng nguy cơ không nhỏ của tình trạng này sẽ xảy ra ở Trung Quốc."
Xiadong Bao - nhà quản lý tại thị trường mới nổi của Edmond de Rothschild Asset Management, đang từ từ nâng vị thế nhưng cho biết "dường như vẫn còn quá sớm để chứng kiến sự thay đổi tích cực".
Trong khi đó, hầu hết các nhà quản lý quỹ vẫn không có sự thay đổi, ít nhất là thời điểm hiện tại. Bocom International viết trong một ghi chú: "Rủi ro bắt phải những ‘con dao rơi’ vẫn còn ở thị trường Hong Kong, ngay cả khi một số dấu hiệu bớt căng thẳng đã xuất hiện."
Tham khảo Bloomberg