Vợ chồng Trần Ngọc Trinh và chồng Vũ Trung Anh Rim, cùng 32 tuổi, từng là nhân viên ngân hàng trước khi cùng nhau khởi nghiệp trong mảng nội thất.
Một ngày cuối năm 2017, hai người đi thẩm định hồ sơ vay vốn của một chủ doanh nghiệp. Câu chuyện của startup này truyền cảm hứng cho cả hai vợ chồng về một ý tưởng lập ra một doanh nghiệp sản xuất thiết bị nội thất phong cách Hàn Quốc, ví dụ chiếc kệ treo quần áo có thể gấp gọn bằng một laptop.
"Ngày ấy chúng tôi chỉ là những sinh viên ngân hàng mới ra trường. Vợ chồng bảo nhau rằng Việt Nam nằm trong top 4 thế giới xuất khẩu nội thất nhưng không có một thương hiệu nổi bật là một nghịch lý. Chúng tôi ôm giấc mơ xây dựng được một thương hiệu nội thất Việt được thế giới biết đến", Ngọc Trinh, quê Lâm Đồng chia sẻ.
Hơn một năm đầu họ vừa làm ngân hàng vừa xây dựng doanh nghiệp. Sau khi đưa sản phẩm ra thị trường và được đón nhận, Trinh quyết định nghỉ việc quay về quản lý doanh nghiệp. Cuối năm 2019 công ty lớn mạnh hơn, Rim dù khi đó đang là quản lý của một ngân hàng cũng buộc phải rút về hỗ trợ vợ.
Lúc này Rim giữ vai trò điều hành, Trinh làm vận hành, còn một người sáng lập khác chịu trách nhiệm mảng thiết kế. Ba người dành 100% sức lực đưa doanh nghiệp tiến lên rất nhanh. Họ mở thêm kho bãi, showroom và nhà xưởng, cùng với các chiến lược rõ ràng trong định vị thương hiệu. Từ tháng 4/2021 khi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, doanh thu của họ tăng 10 lần.
Ở tuổi 28, họ sở hữu thương hiệu nội thất có tên tuổi ở Việt Nam với ba showroom, hai nhà máy và hàng chục cửa hàng trong các hệ thống siêu thị trên toàn quốc.
Nhưng năm 2021, làn sóng dịch Covid bùng phát ở TP HCM khiến mọi thứ đột ngột đóng băng. Khi cơn bão qua đi, sức mua giảm, thị trường ngày càng bất thường. Doanh số có những ngày về 0 đồng. Hàng không bán được nhưng chi phí vận hành lên đến 1,5 tỷ đồng mỗi tháng.
Để xoay chuyển tình thế, họ đặt mục tiêu xây dựng nhà máy xuất khẩu, tuy nhiên đến thời điểm giải ngân các đối tác đồng loạt quay lưng. Một đơn hàng trị giá 500 triệu đồng xuất đi Hàn Quốc cuối năm 2022 bị hủy vào phút chót. Những đồng vốn liếng cuối cùng bị "thổi bay".
"Hai năm gồng lên hết sức, chúng tôi nhận ra mình không thể bơi ngược dòng, đành buông", Anh Rim, chàng trai quê Quảng Ngãi nói.
Cuối tháng 4/2023, họ gửi thông báo mất khả năng thanh toán cho toàn bộ nhân viên và đối tác. Tin này như cơn địa chấn khiến mọi thứ nổ tung. Rất nhiều mối nguy ập đến cùng thời điểm, từ ngân hàng, nhà cung cấp, nhân sự. Cặp vợ chồng bị đuổi ra khỏi căn nhà đi thuê giữa đêm. Mỗi sáng thức dậy hai người đều không dám mở điện thoại bởi biết hàng trăm tin nhắn khủng bố, đòi nợ, hăm dọa sẽ dội về.
Những áp lực khiến Trinh suy sụp còn chồng cô thường xuyên phải dùng thuốc đau đầu. Tâm trí bất an khiến Rim lên cơn co giật, chân tay run cầm cập dù không sốt. Mọi thứ đều bế tắc khiến hai vợ chồng mở miệng nói chuyện là mất bình tĩnh, gắt gỏng, tiêu cực.
"Cảm tưởng lúc đó anh như một con nhím chỉ chạm nhẹ cũng xù lông, khiến ai cũng tổn thương", Trinh kể. Trong lúc bế tắc nhất cô nghĩ chỉ còn cách chia tay để không còn là gánh nặng cho chồng và chặt đứt áp lực gia đình, chỉ còn tập trung trả nợ.
Nhớ lại thời khắc vợ đưa đơn ly hôn, Rim cảm tưởng mình như người mất hồn. Anh không nghĩ được gì, xếp đồ vào vali và chạy xe xuống nhà máy ở Bình Dương bởi biết chắc vợ không thể xuống đó tìm mình.
Đó là một tuần cả hai có không gian riêng. Trinh chìm đắm trong suy tư, cùng với sự giúp đỡ của một người chị, cô bắt đầu tự đặt câu hỏi cho bản thân: "Liệu quyết định ly hôn có thực sự tốt cho cả hai hay chỉ là lý do hợp lý để thỏa mãn cái tôi của mình?".
Trong mấy ngày đó, Rim cũng gặp được một người anh thân thiết. Lúc đến thăm cậu trong nhà máy hoang tàn, người này nói: "Bây giờ em phá sản là có tội rồi. Khi có tội, em nói gì cũng sai hết. Nếu còn thương vợ thì im lặng, giả điếc để giữ cô ấy. Chỉ có thời gian là chứng minh mọi thứ thôi".
Sau một tuần bỏ nhà đi, anh trở về xin lỗi vợ. Giây phút ấy, Trinh hồi tưởng về hành trình đã trải qua cùng nhau. Hai vợ chồng từng là bạn thân đại học, cùng đầu quân cho một ngân hàng, cùng xây dựng công ty bằng những đồng lương ít ỏi tích cóp được.
"Tôi bỗng nhiên nhìn thấy người đã đồng hành với mình suốt những năm tháng qua. Tiền mất rồi, chỉ còn gia đình thôi, nếu không giữ sẽ không còn cơ hội nào nữa", người vợ nói.
Cặp vợ chồng bắt đầu nhìn rõ con đường đứng dậy. Việc đầu tiên họ chọn là phải thẳng thắn đối diện mọi thứ. Có đêm Rim chạy vài chục cây số tìm đến nhà chủ nợ vốn là "dân anh chị" nổi tiếng ở Bình Dương. Mặc cho người này hù dọa, mắng chửi, anh nói: "Em biết ơn vì vào lúc khó khăn nhất anh đã cho vay. Có nợ có trả, chỉ xin cho em một cơ hội để làm lại". Anh và vợ cũng mang tâm thế này đi gặp những chủ nợ khác xin giãn nợ thêm từ 3 đến 5 năm.
Như những kẻ sống sót sau một trận chiến, từ cuối 2023 tới nay họ đang lượm từng vũ khí còn sử dụng được để gây dựng lại. Kế hoạch xây dựng nhà máy xuất khẩu được tái khởi động, dự kiến khai trương vào tháng 4 tới.
Những ngày cận Tết Giáp Thìn, lần đầu tiên sau ba năm công ty xuất khẩu được một lô hàng lớn sang Nhật. Khi khách quyết định đặt hàng, Rim đã xin tạm ứng 50%. Vị chủ tịch doanh nghiệp người Nhật gần 70 tuổi nói: "45 năm làm kinh doanh tôi chưa từng cho ai tạm ứng quá 30% nhưng lần này tôi đặt trọn niềm tin vào cậu sau một năm thẩm định con người cậu".
Hôm 7/3, khách hàng Nhật này tới thăm nhà máy xuất khẩu đang xây dựng để xúc tiến đặt lô hàng thứ hai. Trong tuần vừa qua, vợ chồng Rim cũng đang làm việc với Amazon để tìm hiểu về pháp lý, nghiên cứu sản phẩm và thị trường, với mục tiêu đưa thương hiệu nội thất của họ sang Mỹ.
Sau thất bại, cặp vợ chồng nhận ra sai lầm lớn nhất của mình là xem kinh doanh như đánh bạc, lợi nhuận dành hết cho việc tái đầu tư để mở rộng doanh nghiệp mà không giữ lại bất cứ khoản dự phòng nào. Họ cũng quá mải mê với sự tăng trưởng doanh thu và mở rộng thị trường, mà không nâng cao khả năng quản trị. "Thế nên dù có Covid-19 hay không kết cục cũng sẽ như vậy", anh Rim nói.
Điều Vũ Trung Anh Rim thấy biết ơn nhất là sau tất cả, vợ vẫn ở bên, kề vai sát cánh với mình. "Vào thời điểm đen tối, tôi đã nghĩ đến điều tiêu cực nhất. Trong những cơn co giật không còn là chính mình, cô ấy vẫn ở cạnh ôm lấy tôi", người chồng tâm sự.
Nhìn lại, Ngọc Trinh cho biết ngoài tiền, cô không mất gì cả. Gia đình hai bên vẫn dang tay đón mình về, các anh chị vẫn ở bên và còn có thêm một đối tác đến muộn đồng hành. Thậm chí, bài học kinh nghiệm từ quản lý doanh nghiệp đến hôn nhân, ngày một nhiều hơn.
Bên cạnh tình yêu, Trinh cho biết chính ước mơ đã giữ họ lại với nhau. "Có thể bây giờ cách làm thay đổi vì thích nghi với thời cuộc nhưng ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất có không ít người đề xuất mua lại thương hiệu, chúng tôi chưa bao giờ rời bỏ ước mơ của mình", nữ doanh nhân nói.