Vinpearl từng là đơn vị vận hành nghỉ dưỡng nội bộ thuộc Tập đoàn Vingroup. Trên thực tế, cổ phiếu VPL đã từng được niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2007, sau đó bị hủy niêm yết vào năm 2011 để phục vụ quá trình tái cấu trúc, sáp nhập vào Vingroup. Việc quay trở lại sàn chứng khoán lần này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi Vinpearl vận hành như một pháp nhân độc lập.
Cuối năm 2023, hai pháp nhân mới là Công ty cổ phần Vinpearl và Vinpearl Ngọc Việt được thành lập, nhằm tách bạch dòng tiền, minh bạch báo cáo tài chính và hướng đến mô hình doanh nghiệp đại chúng. Đây là bước đi trong chiến lược dài hạn của Vingroup nhằm chuyên biệt hóa các mảng kinh doanh cốt lõi.
Hiện Vingroup vẫn sở hữu 85,5% cổ phần tại Vinpearl, phần còn lại thuộc về các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư.
Hội đồng quản trị gồm 5 thành viên, do bà Nguyễn Thu Hằng – cũng là Tổng Giám đốc Vinhomes – làm Chủ tịch. Ban điều hành có 4 thành viên, đứng đầu là ông Đặng Thanh Thủy, kiêm Chủ tịch Cảng Nha Trang và thành viên HĐQT Vinpearl Cửa Hội.

Cơ cấu cổ đông tại 11/4. (Nguồn: Vinpearl).
Tăng trưởng doanh thu, nhưng biên lợi nhuận còn khiêm tốn
Theo bản cáo bạch, Vinpearl đang quản lý 48 khu nghỉ dưỡng và tổ hợp giải trí tại 18 tỉnh, thành với tổng công suất hơn 16.000 phòng. Doanh thu chia theo ba mảng chính: lưu trú (60–70%), vui chơi giải trí (20–25%) và ẩm thực, sân golf (10–15%).
Trong quý I, công ty ghi nhận doanh thu 2.435 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ nhờ công suất phòng trung bình đạt 72%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 90 tỷ đồng – do chi phí khấu hao lớn và áp lực lãi vay, một đặc trưng phổ biến của ngành có vốn đầu tư cao như nghỉ dưỡng.
Tính đến cuối quý I, Vinpearl sở hữu tổng tài sản hơn 78.000 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm gần 35.400 tỷ. Vốn chủ sở hữu đạt 35.586 tỷ đồng, bao gồm 3.161 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Nợ vay tài chính ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn.
Kế hoạch mở rộng, kỳ vọng vào xu hướng mới
Năm 2025, Vinpearl đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 14.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.750 tỷ đồng – giảm lần lượt 1,6% và 31,4% so với kết quả 2024. Công ty dự kiến tiếp tục mở rộng danh mục khách sạn, khu vui chơi và sân golf.
Doanh thu chuyển nhượng bất động sản năm tới được kỳ vọng tăng trưởng ở báo cáo công ty mẹ, nhưng giảm tại báo cáo hợp nhất do năm 2024 đã ghi nhận phần lớn doanh thu từ công ty con Vinwonders Nha Trang.
Trong giai đoạn 2025–2026, lợi nhuận bất động sản chủ yếu đến từ các dự án hiện hữu như shophouse Vinwonders Phú Quốc (phân khu Hy Lạp) và Vinpearl Phú Quý – đều đã hoàn tất pháp lý và triển khai bán hàng.

Kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2025-2026. (Nguồn: Vinpearl).
Ban lãnh đạo kỳ vọng đón đầu đà phục hồi du lịch quốc tế, đặc biệt từ Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Cùng với đó là xu hướng nghỉ dưỡng gắn với chăm sóc sức khỏe và tổ chức hội nghị (wellness & MICE). Thị trường nội địa cũng cho thấy tín hiệu tích cực nhờ thu nhập tăng và hạ tầng giao thông cải thiện.
Tuy nhiên, Vinpearl vẫn đối mặt với thách thức lớn từ tính mùa vụ – khi doanh thu tập trung vào mùa cao điểm – cũng như áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các tập đoàn khách sạn quốc tế như Marriott, Accor. Việc nâng cao trải nghiệm dịch vụ và tối ưu vận hành được xem là yếu tố quan giai đoạn tới.