Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên ngày 7/9, đại diện CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã có báo cáo về tình hình triển khai dự án Nhà máy sữa Hưng Yên, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên.
Cụ thể, dự án Nhà máy sữa Hưng Yên có tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng, được triển khai xây dựng trên địa bàn phường Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I từ quý IV/2021 đến năm 2028; giai đoạn II từ năm 2028 đến năm 2030.
Theo kế hoạch, dự kiến tháng 9 này, Vinamilk sẽ triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Nhà máy sữa Hưng Yên và đến ngày 28/12, công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy. Quý IV/ 2025, công ty với thị phần sữa dẫn đầu sẽ đưa toàn bộ nhà máy giai đoạn I vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước đó vào cuối năm ngoái, tỉnh Hưng Yên đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sữa nói trên do Vinamilk và công ty thành viên Vilico triển khai. Với tổng công suất thiết kế ước đạt khoảng 400 triệu lít/năm, đây dự kiến sẽ là nhà máy sữa lớn nhất của Vinamilk ở khu vực phía Bắc đồng thời cũng là dự án nhà máy chế biến sữa có quy mô lớn nhất của tỉnh Hưng Yên được cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Tính đến cuối 2021, Vinamilk có 13 trang trại và 13 nhà máy sữa trên cả nước, trong đó có hai nhà máy gồm Nhà máy sữa Việt Nam (sản xuất sữa nước, công suất đạt 800 triệu lít/năm) và Nhà máy sữa bột Việt Nam (sản xuất sữa bột, công suất gần 54.000 tấn/năm).
Thực tế, Vinamilk đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ (bao gồm cả thương hiệu trong nước và nhập khẩu). Điều này đã khiến công ty giảm doanh thu từ đầu năm tới nay và giảm ở hầu hết các danh mục sản phẩm, ngoại trừ sữa đặc. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận Vinamilk đạt 28.808 tỷ đồng và 4.386 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,3% và 20% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, một yếu tố không thể đoán trước đang đè nặng lên giá cả hàng hóa là cuộc chiến Nga-Ukraine, khiến giá hàng hóa và giá dầu tăng mạnh kể từ tháng 2. Trong đó, các nguyên liệu đầu vào chính của công ty sữa đều tăng như sữa bột, tăng 30 - 40% so với cùng kỳ; đường, tăng 30% so với cùng kỳ. Điều này đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp sữa dù đã tăng giá bán từ 2-5% để chuyển chi phí cho người tiêu dùng.
Các công ty sữa còn gặp áp lực tăng chi phí bán hàng do giá nhiên liệu tăng cao thúc đẩy chi phí vận chuyển, cạnh tranh gay gắt làm tăng đáng kể chi phí khuyên mãi và hỗ trợ bán hàng để duy trì thị phần khi tăng giá bán.