Các quỹ nội của VinaCapital vừa công bố báo cáo cập nhật về diễn biến thị trường và đánh giá bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam.Theo cập nhật của quỹ, sau khi giảm 5,8% trong tháng 4, VN-Index hồi phục lại 4,3% trong tháng 5. Tính từ đầu năm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã tăng 11,7%.
Mặc dù khối ngoại bán ròng 19.000 tỷ đồng trong tháng 5, là mức bán ròng kỷ lục tính trong một tháng, lực bán này vẫn được hấp thụ hết bởi các nhà đầu tư trong nước với thanh khoản duy trì ở mức tích cực (giá trị giao dịch trung bình 25.100 tỷ đồng/ngày, tăng 3% so với tháng 4).
"Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo tháng trước, kết quả kinh doanh quý I của các công ty niêm yết, được công bố vào cuối tháng 4, là khá tích cực với tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước và 8 trên tổng số 11 nhóm ngành ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng", VinaCapital đưa quan điểm.
Các số liệu kinh tế vĩ mô trong tháng 5 tiếp tục có nhiều điểm sáng. Trong đó, đáng chú ý nhất là tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 10,6% trong tháng 5 và 7,3% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,2% trong 5 tháng đầu năm, thúc đẩy bởi tăng trưởng 33,4% của các mặt hàng điện tử và máy tính.
Nhập khẩu tăng 18,2% trong 5 tháng đầu năm, riêng tháng 5 tăng đến 29,9% so với cùng kỳ năm trước, do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Từ đó có thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực hơn nữa trong nửa sau của năm 2024.
Tiêu dùng trong nước vẫn chưa phục hồi mạnh, với tăng trưởng của bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 5,2% trong 5 tháng đầu năm, sau khi loại trừ lạm phát. Tuy nhiên, việc lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang tăng trưởng tích cực sẽ có tác động lan tỏa đến tăng trưởng tiêu dùng trong thời gian tới và tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng trên TTCK.
Tỷ giá hối đoái đã ổn định hơn trong tháng 5. Sau khi tăng 4,4% trong 4 tháng đầu năm, tỷ giá USD/VND chỉ tăng 0,5% trong tháng 5 chủ yếu do nhu cầu về USD tăng để phục vụ cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.
"Chúng tôi cho rằng áp lực về tỷ giá sẽ giảm bớt trong 6 tháng cuối năm do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới được kỳ vọng sẽ bắt đầu giảm lãi suất. Nếu so sánh với giai đoạn 1-2 tháng trước đây, chúng tôi nhận thấy hiện tại đã có nhiều yếu tố vĩ mô hơn hỗ trợ cho TTCK. Cùng với việc kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết được kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục trong những quý tới, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với TTCK", báo cáo của VinaCapital nêu.