Chứng khoán

VinaCapital dự báo về tỷ giá tiền đồng và lãi suất tiền gửi Việt Nam

TIN MỚI


Nhiều yếu tố bên ngoài tác động đến tỷ giá USD/VND

Theo chuyên gia VinaCapital, các số liệu cho thấy tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớn lên các nhà điều hành khiến họ phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của tiền đồng Việt Nam, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.

Năm nay, tiền đồng Việt Nam hạ giá bởi một số các yếu tố, bao gồm đồng Đô la Mỹ (USD) bất ngờ tăng giá mạnh gần 5% so với đầu năm (đối với chỉ số DXY) do lạm phát và tăng trưởng kinh tế nóng hơn dự kiến của Mỹ làm giảm số lần Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ cắt giảm lãi suất của Mỹ năm 2024, củng cố giá trị đồng USD Mỹ.

Ngoài ra, giá vàng cũng đã tăng tới 16% trong năm nay (và 30% kể từ cuối năm 2022), điều này cũng đang gây áp lực lên tỷ giá USD-VND do nhà đầu tư Việt Nam đẩy mạnh việc mua vàng và việc mua vàng của người dân đã dẫn đến việc tăng lượng mua USD.

Do đó, tiền đồng Việt Nam đồng thời phải đối mặt với áp lực giảm giá từ USD mạnh và từ việc giá vàng tăng cao. Đây là một tình huống bất thường vì lãi suất của Mỹ cao hơn sẽ hỗ trợ giá trị của USD, nhưng thường dẫn đến việc giá vàng sẽ thấp hơn do làm tăng “chi phí cơ hội” của người tiết kiệm khi giữ vàng thay vì gửi tiền vào ngân hàng.

Với hàng loạt áp lực giảm giá lên tiền đồng Việt Nam và khả năng lạm phát ở Việt Nam sẽ đạt 4-5% vào cuối năm (một phần do giá dầu tăng), chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi ngân hàng ở Việt Nam sẽ tăng 50 - 100 điểm cơ bản vào cuối năm nhằm ngăn chặn sự hạ giá của tiền đồng Việt Nam.

Chuyên gia VinaCapital không cho rằng lãi suất cần phải tăng hơn 100 điểm cơ bản để hỗ trợ tỷ giá USD/VND vì thặng dư thương mại của Việt Nam đã tăng từ 6% GDP năm 2023 lên 8% GDP trong quý I/2024 và giải ngân vốn FDI tăng mạnh khoảng 5% GDP trong quý I/2024. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đang cân bằng giữa ổn định tỷ giá tiền đồng Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nghĩa là lãi suất cần đủ cao để hỗ trợ tiền đồng Việt Nam, nhưng không quá cao đến mức chính sách thắt chặt tiền tệ cản trở tăng trưởng GDP.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sử dụng một số công cụ trong hai năm qua để ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, bao gồm: Việc bán dự trữ ngoại hối USD của NHNN cho các ngân hàng thương mại trong nước; “Giao dịch hối đoái kỳ hạn có thể hủy ngang” (“Cancellable FX forwards”); Tăng lãi suất điều hành, và/ hoặc Rút thanh khoản ra khỏi thị trường tiền tệ để đẩy lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn.

Lãi suất tiền gửi có thể tăng vào cuối năm nay

Về việc bán dự trữ ngoại hối USD của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại trong nước, hiện tại, khoản dự trữ ngoại hối vào khoảng 90-100 tỷ USD, tương đương giá trị nhập khẩu cho khoảng ba tháng, được coi là lượng dự trữ ngoại hối an toàn tối thiểu mà ngân hàng trung ương của mỗi quốc gia cần nắm giữ. Do đó, chuyên gia VinaCapital không kỳ vọng dự trữ của Việt Nam sẽ giảm mạnh so với mức hiện tại.

Lãi suất Mỹ “cao hơn trong thời gian dài hơn” có thể đang củng cố nền kinh tế Mỹ thay vì làm suy yếu nền kinh tế Mỹ như dự kiến. Nghịch lý này bắt nguồn từ thực tế là những người tiết kiệm ở Mỹ (đặc biệt là “Baby Boomers”) đang kiếm được lãi suất đáng kể từ khoản tiết kiệm của họ lần đầu tiên sau nhiều năm và họ đang chi tiêu khoản thu nhập bất ngờ đó. Do đó, lãi suất cao hơn của Mỹ là con dao hai lưỡi đối với Việt Nam; Áp lực giảm giá của tiền đồng Việt Nam đang gây áp lực lên lãi suất của Việt Nam, nhưng nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ cũng đang thúc đẩy sự phục hồi trong xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ mức giảm 21% so với cùng kỳ trong quý I/2023 lên mức tăng 26% trong quý I/2024.

Tóm lại, tỷ giá USD/VND tăng hơn 4% so với đầu năm, mức mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường thực hiện các hành động cụ thể để củng cố VND (mức hạ giá tối đa của VND trong 8 năm dương lịch qua là 3,5%). Sự hạ giá của tiền đồng là do đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh một cách bất ngờ và do người tiết kiệm trong nước mua vàng, mặc dù thặng dư thương mại dồi dào của Việt Nam và dòng vốn FDI đã hỗ trợ tỷ giá của đồng VND.

Chuyên gia VinaCapital dự báo lãi suất tiền gửi ở Việt Nam, vốn đã giảm kể từ đầu năm 2023, sẽ tăng trở lại khoảng 50-100 điểm cơ bản vào cuối năm nay. Mức tăng đó dường như sẽ không gây tác động lớn đến thị trường chứng khoán, nhưng VinaCapital kỳ vọng người mua bất động sản sẽ quyết định nhanh chóng để tranh thủ lãi suất mua nhà thấp ở mức hiện tại, tiếp thêm động lực cho sự phục hồi bất động sản còn non trẻ tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm