Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã gửi một số kiến nghị và đề xuất hàng loạt ưu đãi đặc biệt.
Theo đó, Vietnam Airlines kiến nghị cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp này cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines.
Ngoài ra, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ cho phép hãng hàng không này sớm mở lại đường bay quốc tế đi/đến các quốc gia được coi là an toàn với Covid-19.
Kiến nghị của Vietnam Airlines được đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn. Trong quý 2, Vietnam Airlines lỗ 4.400 tỷ đồng, nâng số lỗ 6 tháng lên trên 8.400 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết ngày 30/6/2021, Vietnam Airlines lỗ lũy kế 17.771 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ là 14.183 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật chứng khoán, điều kiện để hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu trên sàn chứng khoán, là lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất hoặc âm vốn chủ sở hữu.
Như vậy, Vietnam Airlines hiện đang trong "vùng nguy hiểm", nhưng vẫn còn 6 tháng để khắc phục tình trạng này.
Đến ngày 31/12/2021, nếu lỗ lũy kế của Vietnam Airlines vẫn vượt quá vốn điều lệ, hoặc âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu của Vietnam Airlines sẽ rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc.