Quản trị

Cách tìm lại niềm vui trong công việc

Theo Tiến sĩ Rebecca Newton, Chuyên gia tâm lý học tổ chức và xã hội, Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, Giảng viên của Chương trình Tăng tốc Lãnh đạo tại Trường Luật Harvard, có 4 nguyên nhân chính của tâm lý bất ổn đang phổ biến.

Đầu tiên, tất cả chúng ta đều kiệt sức sau thời gian căng thẳng và buồn bã kéo dài. Ngay cả trong các công ty vận hành tốt trong suốt đại dịch, những thay đổi cũng khiến áp lực tăng lên. Mặc dù trải qua đại dịch một cách khác nhau, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi những mất mát và đau thương.

Thứ hai, nhiều người trong chúng ta cũng đang gặp khó khăn trong suốt những tháng ngày qua, vì cần phải thể hiện mình ổn ngay cả khi không. Điều này đặc biệt đúng đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Gián đoạn liên tục giữa nội tâm và hành vi bên ngoài có thể làm giảm sức khoẻ tâm lý.

Thứ ba, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phát huy hết thế mạnh bản thân. Chúng ta có áp lực chỉ làm những việc cần làm và hoàn thành một cách đạt hiệu quả, thiết thực nhất có thể. Điều này khiến chúng ta mất đi niềm vui mà thường tìm thấy trong công việc.

Cuối cùng, cảm giác về cách biệt xã hội có thể góp phần kéo giảm hiệu suất và khả năng giải quyết vấn đề. Từ đó, bạn cảm thấy tồi tệ hơn khi hiệu suất và năng lực bị giảm sút. Nó tạo thành một vòng xoáy tiêu cực, làm mất niềm vui bạn từng cảm thấy trong cùng công việc đó ngày trước.

Đại dịch đang là nguyên nhân khiến nhiều người bị giảm mất niềm vui công việc. Ảnh: Pixabay

Đại dịch đang là nguyên nhân khiến nhiều người bị giảm mất niềm vui công việc. Ảnh: Pixabay

Đại dịch và những ảnh hưởng của nó đang kéo dài. Có vẻ như niềm vui cũng không còn khi chúng ta đang có nỗi đau hoặc đang bị thử thách. Sau đây là 4 cách mà vị chuyên gia đề xuất nhằm giúp bạn tìm lại được niềm vui trong công việc.

Xác định điểm mạnh bản thân

Một số học giả tâm lý cho rằng điểm mạnh bản thân có thể là chất xúc tác nuôi dưỡng niềm vui. Những điểm mạnh này là nguồn năng lượng tự nhiên. Mang chúng vào công việc có thể mang lại cho bạn động lực lớn.

Bước đầu tiên là xác định bạn đang cần gì. Hãy tự hỏi bản thân: "Gần đây, lúc nào tôi cảm thấy đầy năng lượng trong công việc? Trong những tình huống ấy, tôi đã làm gì?"

Ví dụ, bạn thấy rất vui khi nảy ra những ý tưởng mới. Hoặc bạn thấy đầy năng lượng khi có thể nghiên cứu sâu vào chi tiết và nhanh chóng hoàn thành vài dự án quan trọng. Một khi bạn đã hiểu rõ điểm mạnh bản thân, hãy cân nhắc cách vun đắp chúng. Chỉ cần tận dụng nó trong nửa tiếng cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong suốt thời gian còn lại trong ngày.

Ví dụ, một nữ khách hàng của Tiến sĩ Rebecca nhận ra tư duy chiến lược là một trong những điểm mạnh. Cô thích suy nghĩ về những cơ hội lâu dài trong tương lai. Nhưng khi đại dịch kéo dài, những áp lực hàng ngày chiếm nhiều không gian dành cho loại suy nghĩ này, bởi cô luôn phải chữa cháy những nhiệm vụ cấp bách và nhỏ nhặt.

Vì vậy, cô dành khoảng hai tiếng để lập kế hoạch chiến lược hàng tuần. Vài buổi cô thực hiện một mình và vài buổi làm cùng với đồng đội. Chỉ cần vài giờ này đã giúp cô nạp lại năng lượng. Cô cho biết sự gia tăng niềm vui trong công việc không chỉ có được trong những buổi đó mà còn xuất hiện trong suốt tuần.

Tập trung phát triển sự nghiệp

Theo Tiến sĩ Rebecca, nghiên cứu về cách trẻ em học tập cho thấy niềm vui trong học tập có được nhờ nỗ lực chúng tự bỏ ra – từ việc kiên trì vượt qua khó khăn để đạt được thành công. Vị chuyên gia cho rằng, hiệu ứng tương tự cũng diễn ra ở người lớn. Làm việc chăm chỉ hướng tới các mục tiêu quan trọng và can đảm vượt qua những trở ngại có thể làm mới niềm đam mê trong công việc.

Khi bà hỏi khách hàng về những khoảng khắc họ cảm thấy vui vẻ trong công việc, họ nói về việc trau dồi thêm năng lực. Họ tham gia các khoá học trực tuyến ngắn nhưng chuyên sâu để cải thiện kỹ năng kỹ thuật; trở thành thành viên trong nhóm bồi dưỡng tài năng quản lý, nơi chia sẻ những thách thức và ý tưởng; hoặc dự các khoá học lãnh đạo trực tuyến kéo dài ba tháng đòi hỏi phải rất chăm chỉ.

Chia sẻ cùng đồng nghiệp đáng tin cậy

Nghiên cứu cho thấy sự chân thành là không thể thiếu đối với sức khoẻ tâm lý. Nhưng sống chân thành không chỉ là hiểu rõ bản thân, mà còn đòi hỏi phải ở trong môi trường nơi chúng ta có thể chia sẻ cách nghĩ và cảm nhận một cách an toàn. Đối với nhiều người, công việc không còn là chỗ như vậy trong mùa dịch. Bởi nhiều lần, chúng ta được yêu cầu phải tỏ ra kiên cường hơn cảm giác thật sự của mình.

Để khôi phục lại cảm giác đó, hãy xác định vài người đồng nghiệp tin tưởng để tâm sự. Suy ngẫm về những gì xảy ra và bạn trải qua như thế nào trong năm qua. Thổ lộ những thách thức nhưng cũng là điều bạn biết ơn. Vài bằng chứng cho thấy lòng biết ơn và niềm vui có thể bổ trợ lẫn nhau. Chia sẻ nguyện vọng và hy vọng đối với năm sắp tới, lưu ý đến những điều sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến việc đạt được những mục tiêu đầy ý nghĩa.

(theo Harvard Business Review)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm