Qua hai năm đại dịch, ngành hàng không nói chung và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) nói riêng đã chịu thiệt hại nặng nề. Tổng lỗ sau thuế của Vietnam Airlines trong các năm 2020 và 2021 lên tới 24.457 tỷ đồng, tức hơn 1 tỷ USD.
Sang năm 2022, COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng xung đột Nga – Ukraine bùng phát làm cho giá dầu lên cao, khiến cho chi phí nhiên liệu hàng không tăng mạnh.
Lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2022 của Vietnam Airlines đã vượt vốn điều lệ. Dự kiến trong cả năm nay, tổng công ty này có thể sẽ tiếp tục lỗ hơn 9.000 tỷ đồng.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, tổng công ty đã lập đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2021 -2025 và trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 28/6 tới đây, đề án cũng sẽ được đưa ra để bàn bạc và biểu quyết.
Hai cổ đông Nhà nước là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (Siêu Ủy ban) hiện nay đang nắm giữ 86,3% vốn điều lệ của Vietnam Airlines và do vậy sẽ có tiếng nói quyết định trong việc đề án tái cơ cấu được thông qua hay không.
Điểm c Khoản 5 Điều 1 của Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025" quy định: Đại hội đồng cổ đông phê duyệt đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu. |
Trước khi đề án tái cơ cấu toàn diện giai đoạn 2021 – 2025 được phê duyệt, Vietnam Airlines cho biết đã chuẩn bị và bắt đầu thực hiện một số giải pháp nhằm cắt giảm chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động, cụ thể gồm: cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại nguồn vốn, cơ cấu lại danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp thành viên, tổ chức lại bộ máy, …
Tái cơ cấu tài sản
Dịch bệnh kéo dài đã gây ra tình trạng dư thừa tàu bay, khiến cho Vietnam Airlines phải gánh chi phí lớn dù không tạo ra doanh thu.
Tổng công ty đặt mục tiêu đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để: Thứ nhất, giãn và hoãn tối đa thời hạn thanh toán và giảm giá tiền thuê; thứ hai, lùi lịch nhận các tàu bay mới như Boeing B787-10, Airbus A320NEO; và thứ ba, hủy 50% tổng số hợp đồng các tàu bay chưa nhận.
Tổng công ty cũng đã lập kế hoạch thanh lý bớt một số tàu bay cũ để vừa có thêm dòng tiền và thu nhập, vừa chuẩn bị làm mới đội tàu bay. Giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines dự kiến sẽ bán 32 tàu, trong đó bán 26 tàu A321 CEO và 6 tàu ATR72.
Hội đồng quản trị Vietnam Airlines ngày 29/10/2021 đã ban hành phương án bán 6 tàu bay cánh quạt ATR72 sản xuất năm 2009 – 2010. Tuy nhiên, do thị trường tàu bay chưa thuận lợi nên đến tháng 6 năm nay, Vietnam Airlines vẫn chưa bán được các tàu nói trên.
Trong những tháng còn lại của năm 2022, tổng công ty sẽ tiếp tục tìm các giải pháp để bán 6 chiếc ATR72, kể cả theo hình thức bán và thuê lại (sale and leaseback – SLB) tùy theo tình hình thị trường và nhu cầu khai thác sau COVID-19.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 đã phê chuẩn kế hoạch bán 5 tàu A321 CEO sản xuất năm 2004 – 2005. Thực tế Vietnam Airlines đã bán ba tàu vào năm 2020 và hai tàu vào năm 2021.
Đại hội thường niên năm 2020 đồng ý chủ trương bán 9 tàu A321 CEO sản xuất năm 2007 và 2008. Vietnam Airlines đã nỗ lực bán hai lần trong năm 2021 nhưng không thành. Sang năm 2022, tổng công ty đang triển khai nghiệp vụ bán và thuê lại (SLB) hai tàu sau khi chuyển đổi cấu hình từ chở khách sang chở hàng. Vietnam Airlines sẽ bán tiếp 7 tàu còn lại trong thời gian tới.
Cơ cấu lại tổ chức
Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025, Vietnam Airlines sẽ sáp nhập các cơ quan, đơn vị có cùng ngành nghề, cùng chức năng, nhiệm vụ để tinh gọn bộ máy, giảm tối đa tầng nấc trung gian.
Từ sau cổ phần hóa đến hết năm 2021, toàn tổng công ty đã giảm được 4 đầu mối cấp cơ quan – đơn vị và khoảng 70 cấp phòng. Riêng năm 2021, Vietnam Airlines giảm được một đầu mối cấp cơ quan - đơn vị; giảm 12 đầu mối cấp phòng.
Sang năm 2022, khối dịch vụ đã được tái cơ cấu theo hướng dừng hoạt động các trung tâm khai thác (OC) và thành lập trung tâm khai thác sân bay ASOC hoạt động từ 1/5/2022.
Tổng công ty cũng điều chỉnh, sáp nhập các phòng ban trong đoàn tiếp viên; tái cơ cấu khối thương mại theo hướng sáp nhập ba chi nhánh khu vực trong nước ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam thành một chi nhánh Việt Nam, dự kiến hoạt động từ 1/7/2022.
Cơ cấu lại danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp thành viên
Vietnam Airlines cho biết sẽ tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp có lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không.
Tổng công ty sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư tại nhóm doanh nghiệp đa ngành nghề, ít liên quan trực tiếp đến vận tải hàng không để thu hồi nguồn tiền phục vụ đầu tư các danh mục mới.
- TIN LIÊN QUAN
-
Tình hình tài chính của Pacific Airlines 'rất nghiêm trọng', Vietnam Airlines đang tìm nhà đầu tư để thoái vốn 22/06/2022 - 17:04
Vietnam Airlines cũng đã tính đến phương án cổ phần hóa một số doanh nghiệp thành viên khi kịch bản phục hồi ngành hàng không diễn biễn xấu hoặc tổng công ty cần bổ sung nguồn lực.
Tổng công ty có thể sẽ thành lập mới doanh nghiệp để tạo lập một hệ sinh thái trong dây chuyền vận tải hàng không, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực phục vụ khách hàng, logistic và du lịch, gắn với nền tảng dữ liệu khách hàng, ...
Cơ cấu lại nguồn vốn
Vietnam Airlines dự kiến tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong giai đoạn 2022 – 2023. Nếu ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, tổng công ty sẽ xem xét tiếp tục phát hành tăng vốn trong các năm 2024 – 2025. Hình thức phát hành có thể là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Theo kế hoạch được trình bày trong đại hội cổ đông tháng 7/2021, Vietnam Airlines có thể sẽ tăng vốn thêm 6.000 - 9.000 tỷ đồng trong năm 2022 - 2023.
Đồng thời, tổng công ty sẽ huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua các kênh: phát hành trái phiếu, vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu.
Đối với trái phiếu, trong giai đoạn 2023-2024, Vietnam Airlines sẽ chào bán trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế với hình thức phù hợp và khả thi, có thể là phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng.
Hoạt động phát hành cổ phiếu và trái phiếu này không những cần được đại hội cổ đông thông qua mà còn phải chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt và ban hành chính sách đặc biệt.
Năm 2021, Vietnam Airlines đã được giải ngân gói hỗ trợ trị giá gần 12.000 tỷ đồng, bao gồm 4.000 tỷ đồng vay với lãi suất ưu đãi và 7.961 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu HVN cho cổ đông hiệu hữu.
Trước khi gói giải cứu này đến tay Vietnam Airlines, nhiều cơ quan từ Quốc hội, Chính phủ tới Ngân hàng Nhà nước đã phải bàn thảo trong nhiều tháng và ban hành nhiều nghị quyết, thông tư để làm cơ sở pháp lý cần thiết.
Ví dụ, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán 2019, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong năm liền trước hoặc còn lỗ lũy kế sẽ không được chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Tuy nhiên, tại kỳ họp ngày 17/11/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 135/2020 cho phép miễn áp dụng Điểm b nói trên khi Vietnam Airlines chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 194 chỉ nói về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Ngày 5/4/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 04 để hướng dẫn việc tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi các tổ chức này cho Vietnam Airlines vay ưu đãi.
Nếu trong các năm tới Vietnam Airlines muốn vay với chi phí thấp và phát hành cổ phiếu, trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn thì sẽ cần loạt chính sách riêng khác từ các cấp thẩm quyền.