Doanh nghiệp

Đạm Phú Mỹ nói gì về các khoản nợ xấu tại VNPoly, PVC Mekong và PVFI?

 Trụ sở văn phòng của Đạm Phú Mỹ tại quận 1, TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Ngày 24/6, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 với tất cả tờ trình được thông qua.

Theo đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh hợp nhất với tổng doanh thu là 17.239 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 3.473 tỷ đồng, tương ứng tăng 34% và tăng 9,5% so với thực hiện năm 2021. Mức kế hoạch mới này cũng cao hơn rất nhiều so với mức kế hoạch đã đặt ra trước đó là 11.059 tỷ đồng doanh thu và 945 tỷ đồng lãi sau thuế cho năm 2022.

Năm 2021, nhờ giá ure, NPK tăng đột biến, và các nhà máy của DPM hoạt động ổn định, DPM báo doanh thu và lợi nhuận đạt mức kỷ lục. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của DPM).

Cổ đông cho rằng DPM thường xây dựng kế hoạch thấp hơn khả năng và tiềm lực thực tế song lãnh đạo cho biết ban đầu định đề xuất chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận tăng nhiều so với kế hoạch đã lập vào cuối năm 2021. Tuy nhiên DPM đánh giá những yếu tố thị trường còn nhiều bất ổn nên lợi nhuận đề ra như báo cáo.

Về kế hoạch cổ tức, công ty dự định chia 50% bằng tiền mặt cho năm 2021 và 2022, tương đương với số tiền chi trả là gần 1.957 tỷ đồng cho mỗi năm. Trước ý kiến của cổ đông cho rằng mức cổ tức này thấp so với tổng lợi nhuận chưa phân phối và so với các năm trước thì chi 100% lợi nhuận sau thuế, lãnh đạo DPM nói công ty đã cân nhắc và tính toán phù hợp với nhu cầu đầu tư theo định hướng chiến lược sắp tới.

Tại đại hội, cổ đông hỏi về dự án NH3-NPK khi nào quyết toán xong, và cho rằng dự án có suất đầu tư cao nhưng nhà máy không hoạt động ổn định, sửa chữa liên tục. Với ý kiến này, đại diện DPM cho biết dự án đã đi vào vận hành thương mại từ 8/2018. Tiến độ quyết toán chậm do vướng mắc, tranh chấp, phân định trách nhiệm hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu... Dự kiến quyết toán vốn sẽ hoàn thành quý III/2022. Công ty khẳng định việc chậm tiến độ không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, vận hành công trình.

Tổ hợp NH3 (mở rộng) – Nhà máy NPK Phú Mỹ (NH3-NPK) có diện tích hơn 15 ha, được xây dựng trong khuôn viên Nhà máy Đạm Phú Mỹ tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng mức đầu tư của Tổ hợp gần 5.000 tỷ đồng (tương đương 237 triệu USD), trong đó 70% là vốn vay và 30% còn lại là vốn của chủ đầu tư, gồm 2 công trình: Xưởng NH3 (mở rộng) và Nhà máy NPK Phú Mỹ.

Dự án NH3 (mở rộng) sẽ tăng công suất xưởng NH3 tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ thêm 90.000 tấn/năm (từ 450.000 tấn/năm hiện nay lên 540.000 tấn/năm).

Về tình hình hoạt động, công suất của dự án đã tăng dần và đã có lãi từ năm 2021, năm nay hướng tới sản lượng 180.000 tấn.

Cổ đông cũng có ý kiến về tình hình, hiệu quả đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết kém, khoản thất thoát tiền gửi gần 290 tỷ đồng tại Oceanbank, 110 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVFI).

DPM khẳng định tiền gửi 290 tỷ đồng tại Oceanbank không phải là khoản thất thoát, mà là tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và công ty vẫn hưởng lãi định kỳ. Vấn đề là số tiền này không khả dụng do Oceanbank đang phụ thuộc vào đề án tái cơ cấu.

Còn khoản đầu tư ở CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (VNPoly) và CTCP Phát Triển Đô Thị Dầu Khí (PVC Mekong) giai đoạn 2008 - 2009 là quyết định phù hợp mục tiêu lúc bấy giờ của DPM. Song công ty gặp rủi ro không mong muốn khi các công ty này hoạt động kém hiệu quả và phải trích lập dự phòng giảm giá trị đầu tư từ nhiều năm trước. Thời gian tới, khi các công ty hoạt động tốt hơn và khả năng thu hồi vốn có tiến triển, DPM khẳng định các cổ đông sẽ hưởng lợi.

Còn đối với khoản đầu tư tại PVFI, DPM giải thích, PVFI trong quá trình hoạt động đã mất khả năng thanh toán do gặp rủi ro, trong đó có DPM. Tổng công ty đã nỗ lực thu hồi vốn ủy thác và còn khoản 110 tỷ chưa thu được. Khoản tiền này đã được trích lập dự phòng từ nhiều năm trước.

Thực tế, trên báo cáo tài chính hàng năm của DPM nói chung và báo cáo đã kiểm toán năm 2021 nói riêng có phản ánh một số khoản nợ xấu, bao gồm bảo lãnh cho các khoản vay, đầu tư vào VNPoly (115 tỷ), PVFI (110 tỷ), gửi vào OceanBank (gần 290 tỷ) được đánh giá là rất khó thu hồi.

Còn về dự án Trung tâm Thương mại Cửu Long với đối tác Huỳnh Châu, do gần đây xảy ra sai phạm, đại diện DPM khẳng định không có liên quan và không chịu trách nhiệm của cá nhân phía đối tác. Đối với công trình tòa nhà Cửu Long Plaza, hiện là tài sản của tổng công ty, do xác định không tham gia vào lĩnh vực bất động sản nên DPM sẽ xem xét chuyển nhượng thu hồi vốn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm