Ngoài ra, tăng cường hợp tác nội bộ giữa các đơn vị thành viên và dự kiến phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM, Tổng Công ty chủ trương tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để xem xét, hợp tác trực tiếp hoặc thông qua công ty con nhằm đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm máy nông nghiệp, ô tô, công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng phát triển tại Việt Nam và khu vực.
Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19 cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con, công ty liên kết, nhất là các công ty liên doanh.
Tổng công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 5.978 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.993 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,1% và 17%.
Tổng doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 9.573 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần so với thực hiện cả năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.137 tỷ đồng, giảm 11,3%.
Đồng thời, Tổng công ty tiếp tục rà soát để thực hiện quyết toán cổ phần hóa của VEAM tại thời điểm chính thức chuyển giao sang Công ty cổ phần theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu VEAM với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phù hợp với định hướng phát triển Tổng công ty.
Cùng đó, tìm giải pháp khắc phục tối đa các vấn đề tồn tại, vướng mắc trước đây, đặc biệt là xây dựng phương án tiêu thụ hàng tồn kho của VEAM MOTOR và xe Changan… Báo cáo tình hình sản xuất của VEAM mới đây cho hay, thời gian qua, ngoài tác động của đại dịch thì giá nguyên liệu tăng cao, tình hình tiêu thụ sản phẩm cũng ảnh hưởng và gây ra nhiều khó khăn cho Tổng Công ty.
Tuy nhiên, trong quý I/2022, doanh thu của VEAM đạt 1.139,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.479 tỷ đồng, tăng 17% và 2,3% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 30% chỉ tiêu doanh thu, 28,8% chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm.