Kinh doanh

Vietjet xin lỗi và đền bù 500.000-1 triệu đồng cho khách bị trễ chuyến bay

Tóm tắt:
  • Vietjet hỗ trợ 500.000 đồng cho hành khách nội địa và 1 triệu đồng cho quốc tế trễ chuyến.
  • Chính sách áp dụng cho chuyến bay bị chậm hơn 2 tiếng trong 20-21/4.
  • Nguyên nhân trễ chuyến do bàn giao dịch vụ mặt đất và cao điểm lễ hội tại Tân Sơn Nhất.
  • Các cơ quan liên quan phối hợp hỗ trợ kết nối hoạt động bay ổn định.
  • Nhiều chuyến bị delay tới 10 tiếng, Cục Hàng không đang theo dõi sát tình hình.

Nội dung trên được nêu rõ trong thông báo của hãng hàng không Vietjet phát đi chiều nay (22/4). Theo đó, trong hai ngày 20 - 21/4, một số chuyến bay đi và đến từ cảng hàng không Tân Sơn Nhất của Vietjet phải điều chỉnh lịch bay.

"Hãng xin chân thành cáo lỗi đến quý hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng. Để hỗ trợ và chia sẻ cùng hành khách, bên cạnh các chính sách hỗ trợ tại sân bay, Vietjet kính gửi E-voucher (sử dụng tương đương tiền) đền bù thiện chí với giá trị 500.000 đồng cho mỗi hành khách trên chuyến bay nội địa; 1 triệu đồng cho mỗi hành khách trên chuyến bay quốc tế bị trễ chuyến trong hai ngày 20-21/4", thông báo nêu.

Chính sách này được hãng áp dụng cho các chuyến bay bị ảnh hưởng từ 2 tiếng trở lên trong hai ngày 20 - 21/4.

Vietjet cho biết đã hỗ trợ 500 nghìn đồng cho mỗi hành khách trên chuyến bay nội địa; 1 triệu đồng cho mỗi khách trên chuyến bay quốc tế bị trễ chuyến trong hai ngày 20-21/4.

Vietjet cho biết đã hỗ trợ 500 nghìn đồng cho mỗi hành khách trên chuyến bay nội địa; 1 triệu đồng cho mỗi khách trên chuyến bay quốc tế bị trễ chuyến trong hai ngày 20-21/4.

Giải thích việc nhiều chuyến bay bị lùi giờ, Vietjet cho hay, nguyên nhân do Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) bàn giao toàn bộ các dịch vụ mặt đất cho Vietjet vào 0h00 ngày 20/4/2025 cũng đúng vào dịp cao điểm, hãng gấp rút các công tác chuẩn bị chuyển sang nhà ga mới T3. Trong dịp lễ, tần suất chuyến bay tăng cao, các phương tiện trong sân đỗ bị ùn ứ.

Bên cạnh đó, quá trình điều chỉnh kế hoạch hoạt động trước thềm cao điểm 30/4 và 1/5, lượng khách tăng cao với nhiều hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất và TP.HCM cũng khiến nhiều chuyến bay phải điều chỉnh kế hoạch.

Vietjet cũng nhanh chóng đề nghị và nhận được công tác phối hợp kịp thời của Cảng vụ Miền Nam, Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Hải quan Tân Sơn Nhất, SAGS, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC)… Công ty đã báo cáo tới Cục Hàng không và nhận được những hỗ trợ kịp thời của nhà chức trách.

Tính đến chiều nay, hoạt động khai thác tại Tân Sơn Nhất đang ổn định trở lại, sẵn sàng phục vụ các chuyến bay trong những ngày cao điểm tới đây cho dịp lễ.

Trong 2 ngày qua, nhiều hành khách phẫn nộ phản ánh nhiều chuyến bay của Vietjet bị chậm, hủy chuyến ở sân bay Tân Sơn Nhất, thậm chí có chuyến bay delay từ 3-10 tiếng.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng cho biết, Cục Hàng không đang theo dõi sát sao tình hình khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất.

"Việc nhiều chuyến bay phải thay đổi giờ bay, chậm kéo dài do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là quá trình tiếp quản công tác thực hiện dịch vụ mặt đất của hãng hàng không Vietjet sau khi chấm dứt hợp đồng với Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) phát sinh những tình huống ngoài dự kiến", ông Uông Việt Dũng nói.

Cùng với đó, sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục điều chỉnh kế hoạch tiếp nhận tàu bay phục vụ công tác chuẩn bị đại lễ 30/4 – 1/5. Một số chuyến bay phải điều chỉnh khai thác, các chuyến khác cũng chịu ảnh hưởng dây chuyền.

Đồng thời, do ảnh hưởng của thời tiết xấu tại khu vực sân bay Nội Bài (Hà Nội) trong chiều 21/4, một số chuyến bay của hãng đến và đi từ sân bay này đã phải điều chỉnh kế hoạch khai thác để chờ thời tiết tốt hơn.

"Trước tình trạng nhiều chuyến bay chậm trễ kéo dài, Cục Hàng không có văn bản yêu cầu các nhà khai thác xin lỗi công khai hành khách, bồi thường, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đối với hành khách theo đúng quy định. Đồng thời, nhanh chóng điều động nhân lực các khâu, ổn định lại dây chuyền phục vụ", ông Uông Việt Dũng nói.

Các tin khác

Công dân có phải tự cập nhật quê quán sau sáp nhập tỉnh thành?

Thiếu tá Trần Duy Hiển, phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, việc cập nhật thông tin địa giới hành chính thì Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ cập nhật ngay sau khi có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính. Tất cả sẽ được làm trên chức năng của phần mềm.