Hãng hàng không Vietjet cho biết, trong hai ngày 20/4 và 21/4, một số chuyến bay đi/đến từ Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất - TPHCM của hãng phải điều chỉnh lịch bay.
Nguyên nhân là do từ 0h ngày 20/4 Công ty Cổ phần phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) bàn giao toàn bộ các dịch vụ mặt đất cho Vietjet. Tuy nhiên, do đây là dịp cao điểm sắp nghỉ lễ 30/4 -1/5 với tần suất chuyến bay tăng cao, các phương tiện trong sân đỗ có tình trạng ùn ứ; khoảng thời gian này hãng đang gấp rút các công tác chuẩn bị chuyển sang nhà ga quốc nội T3.
Bên cạnh đó, quá trình điều chỉnh kế hoạch hoạt động trước thềm cao điểm 30/4-1/5, lượng khách tăng cao với nhiều hoạt động tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và TPHCM cũng khiến hãng phải điều chỉnh kế hoạch khai thác.

Hơn 1.000 nhân viên mặt đất của Vietjet bắt đầu phục vụ hành khách từ 20/4. Ảnh: VJ.
Trước tình trạng nêu trên, Vietjet đã nhanh chóng đề nghị và nhận được công tác phối hợp kịp thời của Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, hải quan Tân Sơn Nhất, SAGS, SASCO, SCSC…
Vietjet đã báo cáo tới Cục Hàng không Việt Nam và nhận được những hỗ trợ kịp thời của nhà chức trách.
Tính đến hôm nay (22/4), hoạt động khai thác tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và các sân bay liên quan đang ổn định trở lại, sẵn sàng phục vụ những chuyến bay an toàn, trong những ngày cao điểm dịp nghỉ lễ tới đây.
Cùng với việc xin lỗi, Vietjet đưa ra chính sách e-voucher (sử dụng tương đương tiền) áp dụng cho các chuyến bay bị ảnh hưởng từ 2 tiếng trở lên trong hai ngày 20/4 và 21/4. Theo đó E-voucher trị giá 500.000 đồng/khách bay nội địa và 1 triệu đồng/ khách bay quốc tế.

Vietjet cho biết, các hoạt động khai thác tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và các sân bay liên quan đang ổn định trở lại. Ảnh: VJ.
Theo tìm hiểu, Vietjet đã được cấp phép và tự phục vụ mặt đất tại Cảng HKQT Nội Bài (Hà Nội) từ tháng 8/2020 với hàng trăm ngàn chuyến bay an toàn, từ ngày 20/4 năm nay Vietjet bắt đầu tự phục vụ tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Được biết, theo Thông tư 19/2023 của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng ), chuyến bay chậm giờ (delay) được xác định là muộn hơn 15 phút so với giờ khởi hành dự kiến. Trường hợp chuyến bay chậm không phải lỗi của hành khách, hãng hàng không có trách nhiệm thông báo, xin lỗi hành khách và đảm bảo một số nghĩa vụ của người vận chuyển.
Chuyến bay chậm từ 15 phút tới dưới 2h, hãng hàng không phải bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại, cũng như chịu các chi phí khác phù hợp với thời gian khách phải chờ. Nếu chuyến bay chậm từ 2h trở lên, hãng hàng không phải chuyển đổi chuyến bay khách cho hành khách và không được thu phí.
Với chuyến bay chậm từ 5h trở lên, nếu khách yêu cầu, hãng phải hoàn trả toàn bộ chi phí tiền vé cho khách, thực hiện bồi thường theo quy định.