Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG), CTCP Chứng khoán SSI cho biết trong cuộc họp chuyên viên phân tích gần đây, ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 14-15% cho năm 2022 vào quý III hoặc quý IV/2022.
Con số này cao hơn mức 12,5% của năm 2021 và phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến của ngành ngân hàng là 14-15%.
Về kế hoạch tăng vốn, VietinBank đặt mục tiêu hệ số CAR đạt 8,5-9,0% vào cuối năm 2022. Các phương án tăng vốn của ngân hàng, bao gồm: đề xuất giữ lại lợi nhuận, doanh thu phí từ hợp đồng bancassurance với Manulife, thoái vốn hoặc tái cấu trúc các công ty con và phát hành nợ thứ cấp.
Tuy nhiên, theo SSI, phương án thoái vốn hoặc tái cấu trúc các công ty con dường như đã bị trì hoãn.
Theo đó, việc bán Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV VietinBank cho đối tác nước ngoài (ký tháng 6/2020) đã phải dừng lại do các vấn đề kỹ thuật. VietinBank hiện đang nghiên cứu phương án chuyển nhượng phù hợp để tái triển khai trong thời gian tới.
Phương án thoái vốn khỏi CTCP Chứng khoán VietinBank (CTS) đã được trình lên NHNN. Tuy nhiên, trước diễn biến thị trường gần đây, VietinBank đang xem xét điều chỉnh tỷ lệ thoái vốn (từ 75,6% xuống 51,0%) cho phù hợp hơn, trong đó không loại trừ phương án phát hành tăng vốn cho CTS qua phát hành riêng lẻ, phát hành cho nhà đầu tư chiến lược.
Về Công ty Quản lý Quỹ VietinBank (VietinCapital), tương tự như trường hợp CTS, VietinBank đã trình phương án điều chỉnh lên NHNN và đang chờ phê duyệt.
Áp lực trích lập dự phòng rủi ro có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận
Theo VietinBank, khoản phí trả trước từ hợp đồng bancassurance độc quyền với Manulife sẽ được phân bổ trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2026.
Nhóm phân tích cho rằng ngân hàng có thể đã bắt đầu phân bổ khoản phí trả trước này trong 6 tháng đầu năm 2022, vì kết quả kinh doanh cho thấy thu nhập từ phí tăng trưởng tương đối tốt mặc dù không có phí chuyển khoản khi triển khai chương trình zero fee.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong năm 2022 dự báo đạt 23.000 tỷ đồng (tăng 30,4% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, áp lực trích lập dự phòng rủi ro có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong tương lai do chất lượng bảng cân đối kế toán có dấu hiệu giảm.
Cụ thể, tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu trong quý II/2022 lần lượt tăng lên 1,25% và 1,35% (so với 1,1% và 1,25% ở thời điểm cuối quý I). Dư nợ nhóm 2 tăng lên có liên quan đến việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu sau khi hết thời hạn cơ cấu (Thông tư 01, 03, 14).
"Đặc biệt, dư nợ nhóm 5 tăng 4.800 tỷ đồng (tăng 67% so với quý trước) mặc dù đã xóa 4.500 tỷ đồng nợ xấu (tương đương với 0,4% tổng dư nợ), điều này xuất phát từ các khoản vay được cơ cấu nợ tổng thể theo Thông tư 02," báo cáo viết.