Doanh nghiệp

Các đối thủ "lạ mà quen" tại siêu dự án Monbay Vân Đồn

Các đối thủ "lạ mà quen"

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định về việc cho Công ty TNHH HDMon Vân Đồn thuê gần 240ha đất và mặt nước tại dự án Quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên, huyện Vân Đồn.

Dự án được chấp thuận đầu tư năm 2007, do liên danh Công ty TNHH xây dựng công trình Hải Đăng (sau này là HDMon) và Công ty Rockingham Asset Management, LLC (Mỹ) triển khai, với vốn đầu tư 112 triệu USD.

2 doanh nghiệp này sau đó thành lập Công ty TNHH liên doanh 167 - Việt Nam, nay là Công ty TNHH HD Mon Vân Đồn để thực hiện dự án. Tuy nhiên khu phức hợp suốt nhiều năm sau đó vẫn nằm trên giấy.

Ngày 23/2/2022, HDMon Vân Đồn có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động đầu tư.

Trước đó ít ngày, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/2/2022 có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn, với quy mô lúc này là 276,62ha, có tổng chi phí thực hiện sơ bộ lên tới 24.883 tỷ đồng.

Trung tuần tháng 4/2022, Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn đã phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký triển khai dự án Monbay Vân Đồn, bao gồm CTCP Đầu tư HDMon Vân Đồn (HDMon Vân Đồn JSC) và liên danh CTCP Đầu tư & Phát triển Vạn Phát Hưng – CTCP Đầu tư xây dựng Xuân Đỉnh (liên danh Vạn Phát Hưng – Xuân Đỉnh).

Đáng chú ý, tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy có sự liên hệ mật thiết giữa pháp nhân 4 tháng tuổi HDMon Vân Đồn JSC và đối thủ của mình tại siêu dự án Monbay Vân Đồn.

Cụ thể, Vạn Phát Hưng được thành lập từ tháng 4/2021, bởi 3 cá nhân, gồm bà Trương Thị Anh Thư (góp 331,5 tỷ đồng, chiếm 51% vốn điều lệ); bà Vi Thị Thảo (39%) và ông Võ Ngọc Tồn (10%). Đến tháng 3/2022, công ty này tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 3.800 tỷ đồng.

Sinh năm 1987, bà Vi Thị Thảo còn là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư Emerald Harbour – công ty con của CTCP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD) – thành viên của tập đoàn bất động sản đình đám Vạn Thịnh Phát Group.

Ông Nguyễn Vũ Anh Thi (SN 1982) - Người đại diện theo pháp luật của VIPD và là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, nên biết, lại chính là CEO của HDMon Vân Đồn JSC.

Ngược về cuối năm 2019, HDMon Group từng gây xôn xao dư luận khi cùng 2 pháp nhân có liên hệ tới Vạn Thịnh Phát Group là Công ty Đầu tư và phát triển Sunny World và Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG) đề xuất tài trợ 100% kinh phí lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Liên danh này cũng đề xuất triển khai lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực Bắc Cái Bầu, khu kinh tế Vân Đồn, đồng thời báo cáo ý tưởng nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh này gồm: dự án đầu tư đường sắt cao tốc kết nối Móng Cái - Vân Đồn; dự án khu đô thị công nghiệp, cảng nước sâu Hòn Nét - Con Ong; dự án khu đô thị phức hợp phía bắc đảo Cái Bầu tại khu kinh tế Vân Đồn, với tổng mức cả 3 đại dự án lên tới 10-15 tỷ USD.

Về phần mình, CTCP Đầu tư xây dựng Xuân Đỉnh là thành viên Sun Shine Group - tập đoàn tư nhân mới nổi cũng có nhiều thương vụ kinh doanh với Vạn Thịnh Phát Group.

Sơ phác tiềm lực của HDMon Group

Xin huỷ rồi tham gia đấu thầu lại chính dự án Monbay Vân Đồn cho thấy HDMon Group của doanh nhân Nguyễn Văn Thắng chắc hẳn không có ý định rút lui khỏi "miền đất hứa" Vân Đồn. Giả thiết này càng được thể hiện rõ hơn khi đối thủ của HDMon là những nhà đầu tư "lạ mà quen", như đã đề cập. Ở một chi tiết đáng chú ý khác, động tác kỹ thuật này cũng giúp loại bỏ nhà đầu tư đến từ Mỹ một cách nhẹ nhàng, trong bối cảnh từng mét vuông Vân Đồn giờ đây đã có giá trị rất khác so với thời điểm sơ khai của dự án, cách đây 15 năm.

Là cái tên đeo đuổi dự án từ đầu, thông tin đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, là tiềm lực thực sự của HDMon Group ra sao?

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn , hạt nhân trong hệ sinh thái HDMon Group của doanh nhân Nguyễn Văn Thắng là CTCP Tập đoàn HDMon, tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hải Đăng được thành lập vào năm 1997, lĩnh vực kinh doanh ban đầu là thi công xây dựng.

Giai đoạn 2003 – 2010 đánh dấu bước chuyển mình đầu tiên của Tập đoàn khi chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản.

Cũng từ đây, Tập đoàn HDMon và các công ty thành viên đã hoàn thành nhiều dự án địa ốc như: Mon Central nằm tại ngõ 29 Láng Hạ, TP. Hà Nội, quy mô hơn 5.000m2, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; The Zei, tổng diện tích 14.651 m2, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng; dự án Mon City tọa lạc tại mặt đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, tổng diện tích 6,8ha, quy mô 5.650 tỷ đồng.

Cũng tại Quảng Ninh, vào đầu năm 2015, HDMon (49%) còn liên doanh cùng CTCP Đầu tư FPT (51%) thành lập Công ty TNHH Phát triển đô thị Quảng Ninh, vốn điều lệ 500 tỷ đồng để đầu tư dự án Khu đô thị hiện đại phía đông hòn Cặp Bè, quy mô 17,89ha, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng tại TP. Hòn Gai.

Cơ cấu cổ đông hiện không được công bố, song nhiều khả năng nhóm HDMon Group đã nắm chi phối Đô thị Quảng Ninh khi ông Nguyễn Văn Thắng trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Ngoài ra, vào tháng 3/2022, công ty đổi tên thành Công ty TNHH HDMon Hạ Long.

Trên trang chủ, HDMon Group cho biết còn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, khách sạn – du lịch, đầu tư khu vui chơi – nghỉ dưỡng cao cấp. Cập nhật đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ HDMon Group là 630 tỷ đồng, với các cổ đông được công bố gồm ông Nguyễn Hải Đăng (40%), bà Phạm Thị Hiệp (20%) – đều là các thể nhân cùng địa chỉ thường trú với doanh nhân Nguyễn Văn Thắng.

Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, HDMon Group (công ty mẹ) chỉ phát sinh doanh thu thuần duy nhất trong năm 2020. Cơ cấu tài chính phần nào phản ánh vai trò “holding” của tập đoàn mẹ HDMon Group.

Năm 2016 và 2017, HDMon Group lỗ ròng lần lượt ở mức 2,49 tỷ đồng và 1,56 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2018 và 2019, doanh nghiệp này lãi sau thuế tăng vọt, lần lượt đạt 941,6 tỷ đồng và 744,73 tỷ đồng.

Trong năm 2020, HDMon Group bất ngờ báo doanh thu thuần đạt 372,2 tỷ đồng, song lãi ròng lại giảm 71% chỉ còn 216 tỷ đồng.

Các đối thủ lạ mà quen tại siêu dự án Monbay Vân Đồn - Ảnh 1.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản HDMon Group tại ngày 31/12/2020 đạt 2.718 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 5% so với số đầu kỳ; vốn chủ sở hữu 2.087 tỷ đồng, tăng gần 8%; nợ phải trả 631 tỷ đồng, tương đương giảm nhẹ 3,6%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm