Vận tải hành khách khởi sắc
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, vận chuyển hành khách trên phạm vi toàn quốc tháng trong tháng 7 ước đạt hơn 368 triệu lượt khách, tăng tới 288% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng ước đạt 2.248 triệu lượt khách, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Sau hai năm bị “đóng băng”, hoạt động vận tải hành khách đang dần nóng lên, đặc biệt trong tháng cao điểm du lịch. Đây là động lực cho doanh nghiệp vận tải đang phục hồi hậu COVID-19.
Cùng với nhu cầu vận chuyển tăng, từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm dần về mặt bằng chung đầu năm cũng giúp lợi nhuận của các công ty vận tải được cải thiện.
Mới đây, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã: VNS), đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun đã ghi nhận quý thứ hai liên tiếp báo lãi. Doanh thu thuần trong quý II của Vinasun đạt hơn 246 tỷ đồng, tăng khoảng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tới 67 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinasun đạt hơn 411 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, công ty báo lãi 69 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 97 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh này, lãnh đạo Vinasun cho rằng nguyên nhân là dịch bệnh COVID-19 được khống chế, dẫn tới các hoạt động kinh doanh và giao thương của nền kinh tế được phục hồi, điều này đã tác động tích cực tới kết quả kinh doanh của Vinasun.
"Anh em lái xe đã quay lại công ty để tiếp tục kinh doanh và 100% xe được đưa vào hoạt động, không còn xe nằm bãi, các chi phí đã được tiết giảm hợp lý", phía Vinasun cho biết.
Trước đó, hai năm 2020 và 2021, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam, Vinasun lỗ lần lượt là 211 tỷ đồng và 278 tỷ đồng. Tổng lỗ tính thuế lũy kế đến cuối năm 2021 của Vinasun là 471 tỷ đồng.
Cần hai năm để phục hồi
So với nhiều ngành khác, doanh nghiệp vận tải có tốc độ phục hồi chậm hơn bởi khi vừa hoạt động trở lại thì vấp phải cú sốc giá xăng dầu, điều này như cú đấm bồi nhắm thẳng vào đà phục hồi của các doanh nghiệp.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết nửa đầu năm 2022, giá xăng dầu đã tăng 35-70% nhưng doanh nghiệp taxi mới tăng 8-10% giá cước so với trước đại dịch. Mức tăng này không tương xứng với chi phí đầu vào.
Cho đến nay, giá xăng dầu đã có 5 kỳ giảm liên tiếp, doanh nghiệp cũng hạ 500-1.000 đồng giá cước, mỗi lần điều chỉnh giá cước lại tốn của doanh nghiệp 150.000 đồng/xe. Do đó, doanh nghiệp vận tải mong muốn Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ có biện pháp bình ổn giá xăng dầu để có thể nhanh chóng phục hồi, không mất thêm nhiều chi phí phát sinh.
“Với mức giá xăng dầu như ở kỳ điều chỉnh ngày 11/8, giá cước trung bình 16.000 – 17.000 đồng/km chỉ có thể giúp doanh nghiệp hòa vốn.
Hai năm dịch bệnh đã bào mòn ngành vận tải hành khách một cách khủng khiếp. Doanh nghiệp vận tải nói chung sẽ cần ít nhất hai năm mới có thể phục hồi như trước đại dịch và đầu tư thêm xe mới.”, ông Hùng nói.
Thực tế, giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nghiệp taxi đã buộc phải rời bỏ thị trường, số còn lại hoạt động cầm chừng, bán xe cắt lỗ…
Theo thống kê của Hiệp hội taxi Hà Nội, trước đại dịch, số lượng xe taxi công nghệ ở Hà Nội khoảng 60.000 xe nhưng nay chỉ còn khoảng 20.000 xe. Tương tự, taxi truyền thống cũng sa sút không kém, giảm từ 17.000 xe xuống còn gần 10.000 xe.
"Một doanh nghiệp taxi đầu ngành ở Hà Nội đã phải bán 3.000 cái xe để cắt lỗ, thu gọn quy mô hoạt động đến 90%”, ông Hùng nói.
Việc doanh nghiệp phải thanh lý xe cắt lỗ không phải là chuyện quá lạ trong hai năm đại dịch, ngay cả những ông lớn trong ngành như Vinasun, Mai Linh rơi vào cảnh này.
Theo đó, số lượng xe của Vinasun cũng liên tục đi xuống. Cuối năm 2019, Vinasun có 4.921 xe kinh doanh taxi và con số dự kiến cuối năm 2022 là 2.621 chiếc. Tương tự, dự kiến số lượng xe của hãng Mai Linh đến cuối năm 2022 chỉ còn 16.966 xe, giảm từ mức 17.057 vào cuối năm 2019.
Trước tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, ông Hùng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm hai năm, Bộ Tài chính xem xét kiến nghị gia hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp có nguồn vốn tái kinh doanh, đầu tư.