Chiều 17-8, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết sáu tháng triển khai Đề án 06 theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân.
Tham dự hội nghị tại Trung tâm chỉ huy Bộ Công an có Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an... Tại TP.HCM, Thiếu tướng Trần Đức Tài tham dự.
Cung cấp 227 dịch vụ công trực tuyến của công an
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao vai trò của lực lượng công an trong thực hiện Đề án 06. Để đạt được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc, tham gia của các cơ quan, các địa phương...
Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: NGUYỄN YÊN
“Dù dịch bệnh nhưng trong thời gian ngắn, lực lượng công an các cấp đã cấp 68 triệu CCCD cho người dân. Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2022, không để bất kỳ người nào không có tên trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” - Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu.
Cũng theo Bộ trưởng, lực lượng công an là nòng cốt trong chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, trong thực hiện Đề án 06. Do đó ông yêu cầu tiếp tục cải cách để giúp việc quản trị, quản lý hành chính tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các đơn vị đánh giá lại công tác quản lý dữ liệu dân cư, duy trì bổ sung cập nhật dữ liệu, cấp trả CCCD, thông báo số định danh, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân. Đồng thời đảm bảo đúng tiến độ thực hiện mục tiêu bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1-1-2023.
Cùng với đó, các đơn vị đánh giá công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến của lực lượng công an, công tác số hóa hồ sơ, thực hiện việc người dân chỉ khai báo thông tin một lần cho cơ quan nhà nước... Tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và các biện pháp nhằm đảm bảo hoàn thành cung cấp 227 dịch vụ công trực tuyến của lực lượng công an trong năm 2022.
Các đơn vị cũng cần đánh giá các điều kiện về an toàn bảo mật trong thực hiện mục tiêu của Đề án 06...
Bắt buộc sử dụng sim đăng ký dịch vụ công, lập lộ trình xóa sim rác
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trong tháng 10-2022 sẽ tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến về một cổng do Sở TT&TT chủ trì. Trong đó, Công an TP.HCM là đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện.
Công an TP.HCM sẽ thực hiện và báo cáo hàng tuần cho Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06).
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM đề xuất sử dụng dịch vụ công bằng số điện thoại đã đăng ký, từ đó có lộ trình chấm dứt dùng sim rác. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Về việc thực hiện dịch vụ công, Thiếu tướng Trần Đức Tài đề nghị tiếp tục được hỗ trợ về đường truyền và nâng cấp các phần mềm.
“Đường truyền gần đây đã ổn định. Riêng các phần mềm của C08, A08 thì đề nghị các đơn vị chức năng hỗ trợ ổn định để thực hiện dịch vụ công trực tuyến như đăng ký xe, cấp hộ chiếu công dân được kịp thời” - Thiếu tướng Tài nói và cho rằng mỗi nhà, mỗi công dân, mỗi hộ đều có đăng ký internet và điện thoại.
Do đó, có thể làm việc với Sở TT&TT tham mưu cho Chính phủ có quy định về việc bắt buộc phải đăng ký khi sử dụng số điện thoại. Điều này sẽ góp phần giải quyết dần và có lộ trình trong việc chấm dứt việc sử dụng sim rác hoặc lợi dụng sim rác để phạm tội.
Cũng theo Phó giám đốc Công an TP.HCM, đến nay Công an TP đã cấp được hơn 495.000 CCCD trên tổng số 1,4 triệu người và đang quyết liệt để đến 31-8 hoàn thành cấp cho những trường hợp còn lại.
Về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Công an TP.HCM chỉ đạo Công an cấp huyện ở 21 quận, huyện và TP tập trung thực hiện.
“Nếu TP.HCM không đẩy nhanh việc cấp CCCD, sửa sai các CCCD bị hủy và cấp lại thì có nguy cơ nhận nhiều khiếu nại từ người dân. Nguyên nhân là từ 31-12-2022 tới đây sẽ không còn dùng hộ khẩu” - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.