Tài chính

VietinBank chào bán 4.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2

Phòng giao dịch ngân hàng VietinBank, chi nhánh Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: Minh Nguyệt)

Ngày 19/12, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) thông báo chào bán 40 triệu trái phiếu ra công chúng đợt 1 với tổng giá trị là 4.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hai mã trái phiếu bao gồm CTG2432T2/01 và CTG2434T2/01 với số lượng lần lượt là 30 triệu trái phiếu và 10 triệu trái phiếu, tương ứng giá trị 3.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.

Mã trái phiếu CTG2432T2/01 có kỳ hạn 8 năm, với mức lãi suất cộng biên độ 1,05 điểm %/năm so với lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm Big4 (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank).

Mã trái phiếu CTG2434T2/01 có kỳ hạn 10 năm, với mức lãi suất cộng biên độ 1,15 điểm %/năm so với lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm Big4 (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank).

Mệnh giá mỗi trái phiếu là 100.000 đồng/trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng theo quy địng của pháp luật hiện hành.

Theo kế hoạch, ngân hàng dự kiến phát hành trong hai đợt với tổng số lượng 80 triệu trái phiếu, tổng số lượng trái phiếu mỗi đợt là 40 triệu. Trong trường hợp đợt 1 chưa phát hành hết khối lượng chào bán như dự kiến thì sẽ được chuyển qua chào bán trong đợt 2 tương ứng theo từng kỳ hạn trái phiếu.

Theo giải trình của ngân hàng, mục đích chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2024 nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời nhằm mục đích thực hiện cho vay nền kinh tế. 

Về tình hình kinh doanh, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025, Chủ tịch HĐQT VietinBank ông Trần Minh Bình, cho biết, tính đến hết tháng 11/2024, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023.

Trong đó, tín dụng tăng trưởng 14,2% so với năm 2023 (đến ngày 10/12 tăng 14,8%); nguồn vốn huy động đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,1%. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm