Chứng khoán

Nhiều cổ phiếu cảng, vận tải biển tăng trần

Phiên 20/12 ghi nhận khởi sắc về diễn biến giá và thanh khoản tại nhóm cổ phiếu cảng biển.

Đơn cử tại MVN, lực cầu tăng mạnh ngay sau phiên mở cửa đẩy thị giá lên trần (tăng 15% trên UPCoM). Giá trần được duy trì đến hết phiên sáng. Cổ phiếu trắng bên bán, dư mua trần cuối phiên sáng hơn 85.000 cp.

Tương tự đối với VTO, cổ phiếu của Vitaco tiến lên giá trần (tăng 7% trên sàn HOSE) lúc sau 10h và duy trì đến hết phiên sáng, dư mua giá trần cuối phiên đạt 1,1 triệu đơn vị. VOS tăng hết biên độ tại mức 16.850 đồng/cp.

Đà tăng lan tỏa nhóm lĩnh vực này. Bên cạnh MVN và VTO, các mã tăng nhiều nhất gồm VNA, VIP, SGP, MHC, PVP (3-7%).

Thanh khoản có phần sôi động so với những phiên trước. Giao dịch hàng triệu đơn vị (trong phiên sáng) ghi nhận tại VSC, VTO, HAH, PVT hay GSP.

Kết quả giao dịch phiên sáng 20/12 của một số cổ phiếu cảng, vận tải biển. (Nguồn: SSI).

Nếu tính qua một tháng, cổ phiếu nhóm này đã tăng đáng kể, ví dụ MVN tăng 25%, PVP tăng 15%, VTO tăng 15%, HAH tăng HAH tăng 8%...

Theo chia sẻ của ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và Cổ phiếu của VPBankS, tại một talkshow mới đây, cảng biển là ngành thu hút dòng tiền từ cuối năm 2023 cho đến giữa năm nay, rất nhiều cổ phiếu đi ngược thị trường.

Nhà phân tích nhận thấy 4 điểm cần lưu ý đối với lĩnh vực này. Thứ nhất, giá cước cho thuê tàu định hạn và tàu container 40 Feet đã điều chỉnh nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước Covid-19. Những sự kiện tác động như căng thẳng biển Đỏ, tắc cảng Hong Kong (Trung Quốc), Singapore đều đã phản ánh và hiện các chủ tàu đã thích nghi với việc kéo dài tuyến ra.

Thứ hai, lượng container thông cảng 8 tháng tăng 20% so với cùng kỳ. Đây là điểm tích cực, nhu cầu có xu hướng tăng.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề ông Trump tái đắc cử, nhìn lại 2019 khi ông Trump chuẩn áp thuế cho hàng loạt hàng hóa từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc thì nhu cầu hàng hóa toàn câu tăng lên mạnh trong 3 tháng do các nhà bán lẻ tăng cường tích trữ hàng hóa giá rẻ. Điều này ảnh hưởng đến hai ngành ở Việt Nam là thép và cảng biển, khi xuất khẩu  thép và giao thương tăng lên.

Thứ ba, đối với những hãng tàu cung cấp dịch vụ hàng hải và container có xu hướng tăng đặt tàu mới, cung container toàn cầu có thể tăng 5,5% trong năm 2025. Thương mại hóa toàn cầu trong năm sau được dự báo tăng khoảng 3,1% và chưa tính đến yếu tố Trump tái đắc cử. Lượng container tăng cao hơn nhu cầu, có thể tác động đến giá container và tàu container điều chỉnh.

Thứ 4, xu hướng thay đổi liên minh các hãng tàu từ tháng 2/2025 làm thay đổi chuyến tàu, lịch trình làm thay đổi thị trường cảng biển. Trong đấy, một số hãng tàu như MSC có cổ phần ở một số cảng Việt Nam thì họ ưu tiên cập cảng đó. Xu hướng này làm tăng nhu cầu sử dụng cảng nước sâu trong năm 2025 - 2026.

"Với 4 xu hướng này, một số cảng nước sâu hưởng lợi như Gemalink của Gemadept, cảng Cái Mép… Vấn đề về xu hướng tăng sản lượng thông quan và thay đổi liên minh giữa các hãng tàu đang rất có lợi cho cảng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn sâu vào nội tại cho thấy sự cạnh tranh cũng lớn. Cụm cảng Hải Phòng chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Đây là điều cần chú ý vì ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp cảng biển", ông Dương nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm