Theo tài liệu đại hội cổ đông vừa công bố, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - mã chứng khoán VBB) dự kiến đến cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản có thể đạt 133.000 tỷ đồng, tăng trưởng 28,7% so với năm 2021. Tổng dư nợ cho vay tăng 15% lên mức 65.200 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) tăng 37,1% và đạt 102.000 tỷ.
Năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của VietBank là 2,25%, mục tiêu năm 2022 tỷ lệ này sẽ được duy trì ở mức dưới 2%. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng, kiểm soát nợ quá hạn (nợ từ nhóm 2-5) dưới mức 3,5% tổng dư nợ theo quy định.
Về kế hoạch lợi nhuận năm 2022, dự kiến tăng trưởng 71,4%, thêm 454 tỷ so với năm 2021. Theo kế hoạch, lợi nhuận trước thuế của VBB năm nay sẽ đạt 1.090 tỷ đồng.
Ngân hàng sẽ tập trung tăng trưởng huy động, đặc biệt là nguồn vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư, vốn huy động không kỳ hạn, phát hành giấy tờ có giá. Đồng thời, Ngân hàng cũng sẽ từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng bán lẻ, giảm sử dụng vốn vào các ngành nghề nhiều rủi ro…
Với mục tiêu dài hạn đến năm 2025, VietBank kỳ vọng tổng tài sản có thể đạt mức 300.000 tỷ đồng và nằm trong nhóm 15 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, VietBank cho biết ngoài lợi nhuận giữ lại để tăng vốn tự có, VietBank cần tăng vốn ròng tự có hàng năm từ 2.000-4.000 tỷ đồng.
Tài liệu ĐHCĐ Vietbank
Đối với kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, VietBank dự kiến tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 21%. Sau khi hoàn tất việc tăng vốn, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt 5.779 tỷ đồng.
Thời điểm dự kiến diễn ra từ quý 3 đến quý 4 năm 2022. Toàn bộ số vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn toàn trong hoạt động sinh lời cho hoạt động kinh doanh VietBank.