Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 9/2021, hơn 100.000 hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà đã được lắp đặt và vận hành với tổng công suất gần 10 GW, chiếm hơn 10% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến việc phát triển điện mặt trời mái nhà do sự linh hoạt về thời gian lắp đặt và các lựa chọn về vốn đầu tư. Việc phát triển các dự án này để tự tiêu thụ trong ngành công nghiệp và thương mại cũng có nhiều tiềm năng hơn xét từ góc độ kinh doanh, kể từ khi giá điện ở Việt Nam tăng trung bình 8% tính đến tháng 3/2019.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương đã phối hợp triển khai dự án "Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp" (CIRTS) nhằm hỗ trợ các đối tác Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan. Dự án cũng thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực của các đối tác và thúc đẩy hợp tác công nghệ, nhằm cải thiện các điều kiện cho sự phát triển bền vững của thị trường điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.
Dự án CIRTS được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ. Dự án do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Tổ chức GIZ thực hiện từ nay đến tháng 2/2025.
Tại buổi giới thiệu dự án vào ngày 13/4 tại TP HCM, ông Nathan Moore - Giám đốc dự án CIRTS cho biết, điện mặt trời mái nhà sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện cam kết COP26 của Việt Nam. Dự án của GIZ luôn sẵn sàng hỗ trợ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cải thiện các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, thương mại và khuôn khổ pháp lý khi điện mặt trời mái nhà đang phát triển nhanh chóng. "Thông qua việc hợp tác với các đối tác phát triển và các đơn vị có liên quan, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật với mong muốn thúc đẩy sự phát triển bền vững và quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam", ông Nathan Moore chia sẻ.
Dự án CIRTS sẽ phân tích các điểm cần cải thiện trong các quy tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc hòa lưới các hệ thống Điện mặt trời mái nhà, từ đó khuyến nghị áp dụng kinh nghiệm thực tiễn quốc tế phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Ngoài ra, dự án sẽ tạo điều kiện cho nhóm công tác kỹ thuật xác định rõ các nhu cầu thực tế để có thể tiếp tục cập nhật thêm quy tắc, tiêu chuẩn và quy chuẩn.
Một nội dung nữa là dự án sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực vận hành của Tập đoàn điện lực Việt Nam về quản lý kỹ thuật và hành chính, nhằm điều chỉnh các hoạt động kinh doanh điện trong khi Điện mặt trời mái nhà phát triển mạnh trong ngành thương mại và công nghiệp. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ tăng cường khả năng tiếp cận kiến thức cho các đối tác nhằm bảo đảm các vấn đề về chất lượng và an toàn.
Trong lĩnh vực hợp tác công nghệ, dự án sẽ làm việc với Tập đoàn điện lực Việt Nam để xác định tiềm năng điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp và kiến nghị các kịch bản để tối ưu hóa các nguồn lực.
Với các lĩnh vực hoạt động trên, dự án CIRTS mong muốn sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện và đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia về năng lượng. Qua đó, cả người tiêu dùng và môi trường sẽ được hưởng lợi từ việc cung cấp và sử dụng năng lượng tái tạo bền vững về mặt kinh tế, sinh thái và xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, dự án sẽ góp phần tăng cường năng lực cho các cơ sở, đơn vị nhà nước và tư nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng để thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược tăng trưởng xanh và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia Việt Nam.
(Ảnh: GIZ)