Công nghệ

Việt Nam tăng ba bậc về tốc độ Internet

Theo số liệu vừa được Ookla Speedtest công bố, tốc độ Internet của Việt Nam tháng 4 đã tăng ba bậc cả với Internet băng thông rộng cố định, từ 49 lên 46, và Internet di động, từ 56 lên 53, so với tháng 3.

Tốc độ Internet di động (trái) và băng thông rộng cố định (phải) tại Việt Nam tháng 4. Nguồn: Ookla

Tốc độ Internet di động (trái) và băng thông rộng cố định (phải) tại Việt Nam tháng 4. Nguồn: Ookla

Trong đó, với Internet di động, tốc độ tải về trung bình đạt 33,86 Mb/giây, tốc độ tải lên đạt 16,89 Mb/giây và độ trễ là 23 ms. Vinaphone là nhà mạng cho tốc độ tải xuống cao nhất với 42,43 Mb/giây, tiếp đến là Viettel, Mobifone và thấp nhất là Vietnamobile.

Năm thiết bị dẫn đầu về tốc độ tải đều thuộc Apple, với iPhone 13 Pro xếp đầu, tiếp đến là 13 Pro Max, 13, 12 Pro và 12 Pro Max. Về thương hiệu nói chung, bên cạnh Apple, các thiết bị từ Xiaomi, Samsung và Oppo lần lượt xếp ba vị trí tiếp theo.

Đà Nẵng vẫn là địa phương dẫn đầu về Internet di động, với tốc độ tải xuống đạt 41,75 Mb/giây và tải lên 26,8 Mb/giây. Các thành phố xếp sau là Cần Thơ, Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng.

Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ Internet di động. Nguồn: Ookla

Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ Internet di động. Nguồn: Ookla

Về Internet băng thông rộng cố định, tốc độ tải xuống trung bình tại Việt Nam đạt 71,86 Mb/giây, tải lên 66,74 Mb/giây và độ trễ 4 ms. Ở mục này, Viettel là nhà cung cấp Internet dẫn đầu về tốc độ tải xuống với 67,55 Mb/giây, tiếp đến là FPT Telecom và Vinaphone.

TP HCM có tốc độ Internet cố định nhanh nhất, theo sau là Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội và Hải Phòng.

Các thành phố có tốc độ Internet cố định cao nhất. Nguồn: Ookla

Các thành phố có tốc độ Internet cố định cao nhất. Nguồn: Ookla

Trên thế giới, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar dẫn đầu về tốc độ Internet di động với thông số 134,48 và 129,36 Mb/giây tương ứng. Còn Singapore và Chile xếp hạng cao nhất về tốc độ băng thông rộng cố định với 207,61 và 200 Mb/giây.

Dù được cải thiện, tốc độ Internet tại Việt Nam chưa thể quay về thứ hạng hồi đầu năm do các sự cố đứt cáp cũ chưa được khắc phục triệt để, trong khi một số tuyến cáp mới lại đứt. Mới nhất, giữa tháng 4, tuyến cáp APG gặp sự cố trên phân đoạn S1.7 khiến việc truy cập Internet đi quốc tế của người dùng bị ảnh hưởng.

Việt Nam hiện vận hành 7 tuyến cáp quang biển, phục vụ hơn 97 triệu dân, trung bình một tuyến phục vụ khoảng 14 triệu người. Con số này ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, trong khi nhu cầu sử dụng Internet trong nước ngày càng tăng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm