Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định với những nền tảng hiện tại của hệ sinh thái startup nói riêng và ngành công nghệ nói chung, Việt Nam có cơ hội trở thành một kỳ lân công nghệ mới trong tương lai.
Các sáng kiến của chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của startup
Nhận thấy các công ty công nghệ sẽ là nguồn tăng trưởng mới của quốc gia, chính phủ Việt Nam đã có nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy sân chơi này. ADB nói mục tiêu trong dài hạn của chính phủ Việt Nam là thu hút tri thức, doanh nghiệp, người dân và doanh nhân cùng tham gia phát triển kinh tế và tạo ra các startup thành công.
Một ví dụ hỗ trợ từ chính phủ là Đề án 844 với mục tiêu hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mứoi sáng tạo với 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng cho tới năm 2025.
Mục tiêu này cũng được hỗ trơ bởi Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và 2 đề án mới khác là "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" và "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025".
Aimee Hampel-Milagrosa, một nhà kinh tế học tại ADB, nhận định thế hệ startup kỳ lân tiếp theo của Việt Nam sẽ được xây dựng và phát triển. Vị chuyên gia này cho rằng chính phủ đang tập hợp những yếu tố quan trọng để tạo điều kiện cho quá trình này như chính sách và khuyến khích về vốn.
Top 5 lĩnh vực khởi nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong những năm gần đây là công nghệ tài chính, hay fintech (26,6%), thương mại điện tử (20,3%), công nghệ giáo dục, công nghệ sức khoẻ ế và phần mềm dịch vụ (6,3%).
Theo ADB, công nghệ sức khoẻ và công nghệ nông nghiệp là 2 lĩnh vực với ảnh hưởng xã hội mạnh mẽ và sẽ thúc đẩy thêm sự phát triển bền vững và công bằng.
Cho tới cuối năm 2021, Việt Nam có thêm 2 “kỳ lân” là MoMo và Sky Mavis. Trước đó, Việt Nam đã từng có 2 startup “kỳ lân” khác là VNG (2014) và VNLIFE (2019). Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng “kỳ lân” công nghệ, xếp sau Singapore và Indonesia, đồng thời thu hút số lượng vốn đầu tư kỷ lục 1,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nhiều startup khác đang tiệm cận danh hiệu “kỳ lân” và có các mô hình kinh doanh cũng như lợi thế cạnh tranh độc đáo như Tiki, Giao Hàng Tiết Kiệm, Trusting Social, Kyber Network, Amanotes hay KiotViet: Giao Hàng Nhanh.
Fintech Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển
Hiện tại, hơn 70% công ty fintech tại Việt Nam là các startup. Trong đó, 48% công ty liên quan đến mảng thanh toán, cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc cung cấp các giải pháp thanh toán số đến người dùng và các nhà bán hàng, bao gồm 2C2P, VTPay, OnePay, VTCPay, BankPlus, VinaPay, VNPay, và Senpay.
Dân số lớn, trẻ với tỷ lệ người dùng smartphone cao cùng với đó là sự phổ biến của thương mại điện tử đang tạo ra cơ hội vàng cho các startup fintech. Đó là chưa kể đến việc chính phủ Việt Nam cũng có nhiều động thái thúc đẩy thanh toán qua di động.
Nhu cầu cho các dịch vụ tài chính các nhân tại Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, cho tới năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển cao và cực kỳ hấp dẫn cho các sản phẩm fintech.